(PL)- Tại hội thảo góp ý dự án BLTTDS (sửa đổi) do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa tổ chức, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch nhận xét, một trong những vấn đề xã hội rất quan tâm là số lượng án bị giám đốc thẩm hiện nay quá nhiều, làm vô hiệu hóa nguyên tắc hai cấp xét xử, biến TAND Tối cao thành cấp xét xử thứ ba. Đây là vấn đề cần được khắc phục trong dự thảo sửa đổi BLTTDS lần này.
TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) góp ý: VKS chỉ nên tham gia các vụ án dân sự liên quan đến tài sản công hoặc bảo vệ lợi ích công cộng. Bởi lẽ việc giải quyết án dân sự cần tôn trọng nguyên tắc việc dân sự cốt ở đôi bên, đương sự tự bảo vệ mình dựa trên chứng cứ.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng-Kỷ luật - Đoàn Luật sư TP.HCM) đề nghị nếu quy định VKS chỉ tham gia các vụ án liên quan đến tài sản công, lợi ích công cộng thì cũng cần quy định rõ khái niệm tài sản công và lợi ích công cộng cụ thể để tránh việc suy diễn theo ý chủ quan của mỗi người.
Liên quan đến quy định tòa không được từ chối thụ lý vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật áp dụng, các đại biểu đã có những quan điểm trái chiều: Theo Phó Chánh án TAND quận 4 Lê Thị Hằng, đời sống xã hội phát triển liên tục nên nảy sinh hàng loạt vấn đề mới mà luật chưa kịp dự liệu. Khi người dân phát sinh tranh chấp thì rất cần có cơ quan đứng ra giải quyết vì nếu để người dân tự giải quyết sẽ rất nguy hiểm. Việc luật chưa kịp dự liệu các tình huống phát sinh là lỗi của cơ quan nhà nước chứ không phải lỗi của người dân nên không thể bắt người dân phải chịu thiệt thòi. Ngược lại, một số ý kiến khác nói không có luật thì tòa sẽ không có căn cứ để xét xử...
HỒNG TÚ