+ TS HUỲNH THANH ĐIỀN, chuyên gia kinh tế:
Chiến lược dài hạn phát triển công nghiệp hỗ trợ
Việt Nam đang đối mặt với thách thức nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất và kinh tế. Nhiều ngành nghề chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp, để thoát khỏi “cái bóng” giá trị thấp, cần những giải pháp chiến lược dài hạn.
Động lực để nâng cao giá trị gia tăng nằm ở việc thu hút các DN đầu cuối có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam tập trung vào khâu lắp ráp. Các giai đoạn tạo giá trị cao như tinh chế nguyên liệu, thiết kế linh kiện hay xây dựng thương hiệu thường được thực hiện ở nước khác.
Việc thu hút DN FDI trong lĩnh vực công nghệ cao không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn mở ra cơ hội cho người lao động Việt Nam nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng. Trong vòng 5-10 năm, người lao động Việt Nam có thể tự khởi nghiệp, phát triển DN với giá trị gia tăng cao.
Công nghiệp hỗ trợ đang là mắt xích yếu kém trong chuỗi sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta cần đưa ra mục tiêu là không chỉ là gia công lắp ráp đơn giản mà cần tham gia vào những công đoạn phức tạp hơn như thiết kế và sản xuất linh kiện cao cấp. Việc nâng cao trình độ lao động, đầu tư công nghệ và xây dựng chính sách khuyến khích DN đầu tư là điều kiện tiên quyết để thành công.
Nhiều DN FDI đã chuyển nhà máy sang Việt Nam do chi phí rẻ và chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, chỉ khi DN Việt Nam đầu tư vào công nghệ, đạt tiêu chuẩn quốc tế và học hỏi từ các đối tác này, mới có thể từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Việc nâng cao giá trị gia tăng không thể thực hiện trong ngắn hạn, mà cần một chiến lược dài hạn, trong đó có quy hoạch công nghiệp hỗ trợ đồng bộ. Các địa phương như TP.HCM, Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc cần phân chia rõ vai trò, tránh chồng chéo trong quy hoạch phát triển.
Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư sâu vào R&D là đòn bẩy quan trọng, chính sách này giúp DN Việt Nam bước ra thị trường quốc tế.
+ TS BÙI THANH LUÂN, chuyên gia ngành tự động hóa:
Xây dựng tiêu chuẩn nội địa hóa FDI bền vững
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các DN FDI. Nhưng vấn đề là từ trước đến nay, một số tỉnh vẫn thực hiện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng mọi giá.
Chính sách ưu đãi lớn dành cho các DN FDI thường bao gồm các khoản hỗ trợ về đất đai, cho thuê đất giá rẻ, miễn giảm thuế và nhiều chính sách ưu đãi khác. Những chính sách này nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế cũng tiềm ẩn một số hệ quả tiêu cực.
Bởi việc ưu đãi nhiều khiến các DN FDI tận dụng lợi thế ưu đãi mà không thực sự tạo ra lợi ích cho nền kinh tế nội địa. Chẳng hạn, một số tập đoàn lớn khi vào Việt Nam, họ hứa hẹn sẽ xây dựng chuỗi cung ứng trong nước nhưng thực tế lại không thực hiện như vậy. Các DN FDI thường chỉ sử dụng nguồn nhân lực trong nước với mức độ rất hạn chế và các công ty phụ trợ chủ yếu là từ các quốc gia khác, “chân rết” của họ.
Tại một số địa phương, DN FDI đến, hưởng các ưu đãi lớn nhưng không cam kết lâu dài và khi các chính sách ưu đãi kết thúc, họ sẽ chuyển sang các quốc gia khác có điều kiện ưu đãi hơn. Đây chính là cái “bẫy” mà một số địa phương đã rơi vào.
Một số công ty nước ngoài hiện nay cũng đang tận dụng các lợi thế của chính sách ưu đãi tại Việt Nam, chỉ làm nơi đóng gói cho sản phẩm của họ rồi gắn mác “Made in Vietnam” xuất đi nước khác, điều này tạo ra nhiều nguy cơ trong tương lai nếu không có sự kiểm soát và điều chỉnh kịp thời.
Vì vậy, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng hơn trong việc thu hút FDI, tức cần sàng lọc FDI. Ví dụ như yêu cầu các DN đầu tư vào việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Các địa phương yêu cầu các DN nước ngoài phải xây dựng nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương và tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa. Chỉ khi DN tuân thủ các điều kiện này, họ mới được hưởng các ưu đãi.