Đợi 2 tiếng đồng hồ để trả giày cho khách
Trong clip ghi lại, cậu bé đánh giày khoảng 10 tuổi. Cậu bé có gương mặt hồn nhiên, thân hình gầy gò tưởng chừng như lọt thỏm trong chiếc áo khoác trắng đã ngả màu, rộng thùng thình. Bé sử dụng đôi ủng đi mưa to đùng, bàn tay gầy giơ xương đen nhẻm vì nắng gió bụi đường, bên cạnh là chiếc làn đã cũ đựng đồ nghề của cậu.
Cậu bé gầy gò lọt thỏm trong chiếc áo khoác. Ảnh cắt từ clip
Tầm 5 giờ chiều, một chàng trai trẻ ăn mặc lịch sự sành điệu xuất hiện trong công viên bảo cậu bé đánh giày giúp mình. Sau khi đổi đôi dép khác cho khách, cậu bắt đầu tỉ mẩn làm công việc. Đang làm dở chừng thì chàng trai phải đi có việc gấp bảo cậu bé cứ tiếp tục làm.
Tiếp tục cặm cụi với công việc của mình
Hai tiếng đồng hồ là khoảng thời gian chàng trai đi ra ngoài và… cậu bé vẫn ngồi đợi. Gương mặt của cậu không giấu được sự mệt mỏi vì chờ đợi và đói. Trời tối dần, đến 7 giờ tối chàng trai mới quay lại. Khi được hỏi: “Vẫn còn đợi anh à?”, cậu bé hồn nhiên trả lời: “Giày của anh vẫn còn đây mà”.
Thay vì trả 30.000 đồng tiền công đánh giày, thành viên của nhóm đã tặng em 1.000.000 đồng, món quà dành tặng cho cậu bé nghèo thật thà trung thực. Nhận được số tiền lớn hơn số tiền đáng được nhận cậu bé không giấu được sự ngạc nhiên: “Ô sao nhiều thế ạ?”.
Lòng tốt là đặc sản của người nghèo?
Thời gian qua, những câu chuyện thợ đánh giày trộm giày của khách hay “đội quân đánh giày kiểu trấn lột, chặt chém” người nước ngoài đã trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm. Thế nhưng một cậu bé nghèo khổ, sẵn sàng đợi hai tiếng đồng hồ để trả lại đôi giày cho khách khiến nhiều người không giấu được xúc động. Nhiều bạn đọc bình luận: “Phải chăng lòng tốt là đặc sản của người nghèo”?
Trời dần tối, cậu bé vẫn tiếp tục chờ đợi vị khách dù rất mỏi mệt
Chắc hẳn nếu biết thêm thông tin về cậu bé, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ. Anh Nguyễn Thành Nam - Trưởng nhóm Monster NTN, chia sẻ: “Clip được thực hiện tại phía sau tượng đài Lý Thái Tổ, gần khu vực Hồ Gươm (Hà Nội). Hôm đó chúng mình đi hết cả buổi sáng đến chiều thì tình cờ gặp bé".
"Trong cuộc trò chuyện, bé kể bé người Bắc Giang, bị cha đánh nên bỏ nhà xuống đây làm nghề đánh giày. Hôm nhiều bé kiếm được mấy chục, cũng có hôm chẳng được đồng nào. Qua báo chí, chúng mình cũng biết đây là điểm mà thợ đánh giày dạo bất lương chặt chém khách hàng. Trong những clip trước, chúng mình đã thử với người lớn nên lần này nhóm muốn thử lòng một em nhỏ xem phản ứng của bé như thế nào. Đứng riêng một góc thấy bé dù rất mệt vẫn kiên trì chờ đợi, chúng mình càng thương bé nhiều hơn. Bé hồn nhiền lắm” -Thành Nam kể chuyện.
Cả êkip không giấu được mỏi mệt khi phải quay một ngày liên tục
Cụ già vá xe nghèo khổ nhưng vẫn sẵn sàng sửa xe miễn phí khi thấy cậu học trò gặp hoạn nạn. Cậu bé đánh giày ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng nhưng vẫn đợi khách hai tiếng đồng hồ để trả lại đôi giày hàng hiệu… ”Đói cho sạch rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, họ chính là những minh chứng. Cuộc sống vẫn còn rất nhiều những người như vậy, xung quanh ta!...