Thủ phủ ong rừng U Minh Hạ

(PLO)- Với chú Mười Ngọt, chỉ có hệ sinh thái nguyên thủy thì sản vật rừng mới trù phú như vốn dĩ của nó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trời dần chiều, anh Phạm Duy Khanh (người gác kèo ong) phát cho mỗi người một túm lưới màu xanh và dặn: “Anh chị bình tĩnh, đi chậm theo chân thợ rừng. Không được đánh lại ong khi bị ong tấn công. Không được giết ong!”.

Câu chuyện trước miếu thần rừng

Những người thợ rừng đưa chúng tôi tới khu rừng Mười Ngọt - nơi lừng danh vì giữ được cái gốc U Minh Hạ cho đến hôm nay. Từ 10 năm trước, Sở Văn hóa tỉnh Cà Mau đã “nghía khu rừng” và sau đó, cha con chú Mười Ngọt được mời gọi làm du lịch cộng đồng.

Cái khiến người ta sướng khi vào đây là được chiêm ngưỡng một U Minh Hạ thuần khiết với toàn là cây cối và sản vật trù phú, bao la.

Thủ tục đầu tiên trước khi thu hái sản vật từ khu rừng là thắp nhang xin phép thần rừng (miếu ông Cọp). Ông Phạm Văn Ngọt, bà con thường gọi là chú Mười Ngọt (cha anh Khanh), kể: “Cứ thắp nhang khấn thần rừng thì nghe lòng yên ổn hơn hẳn. Tất nhiên là không phải chỉ để cho lòng mình thanh thản. Nó còn để mình luôn ý thức bảo vệ rừng”.

Từ 27 năm trước, khi từ huyện Cái Nước chuyển về đất U Minh Hạ làm ăn sinh sống, gia đình chú Mười Ngọt đã thể hiện một ý thức khác biệt so với số đông. Người ta đào mương, lên liếp trồng rừng thâm canh; chuyển đổi cây tràm bản xứ sang tràm út, keo lai, mong tăng thu nhập vượt bậc.

Thế nhưng, chú Mười Ngọt vẫn thủy chung với khu rừng tràm truyền thống, chỉ xẻ vài kênh mương để phòng chống cháy và đi lại cho dễ dàng hơn. Với chú, chỉ có hệ sinh thái nguyên thủy thì sản vật rừng mới trù phú như vốn dĩ của nó.

Tổ ong được trưng bày tại sự kiện “Hương rừng U Minh”.

Tổ ong được trưng bày tại sự kiện “Hương rừng U Minh”.

Tình yêu với loài ong mật

Giờ thì chúng tôi bắt đầu tiếp cận tổ ong mật to lớn. “Mọi người cứ theo bước chân nhau mà đi. Bí quyết là nhẹ nhàng, bình tĩnh” - người dẫn đường nhắc.

Thật ra tôi cũng chưa từng tiếp cận kiểu giáp lá cà như thế này bao giờ nên cũng hơi lo. Rồi thì tổ ong cũng hiện ra trước mắt. Nó quá to so với tưởng tượng chung của nhiều người. Khói bắt đầu nghi ngút bao trùm, đàn ong vỡ tổ bay đen trên đầu. Âm thanh giờ chỉ còn tiếng vo vo.

Bất ngờ là không ai bị ong chích cả. Thậm chí khi các thợ rừng đưa tay phủi từng bầy hàng ngàn con, chúng cũng không tấn công lại.

Sau khoảng 3 tiếng, chúng tôi đã đưa được hai tổ ong mật to ra khỏi khu rừng, lên xe tải chở ra thị trấn U Minh dự thi giải “Hương rừng U Minh” (tổ chức dịp 30-4-2022). Một trong hai tổ ong này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là tổ ong gác kèo lớn nhất Việt Nam. Chú Mười Ngọt nhận bằng về lộng kính trưng ngay trong gian chính nhà tiếp khách của mình.

Sáu tháng sau tôi trở lại khu rừng tinh khiết U Minh Hạ của chú Mười Ngọt. Lúc này, tôi đã được nghe đầy đủ câu chuyện gác kèo ong của gia đình chú.

Từ 27 năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến rừng U Minh Hạ, chú Mười Ngọt đã thấy được cuộc đời còn lại của mình là sống ở đây với con ong mật rừng tràm. “Mật ong rừng tràm rất tốt, có giá trị thực phẩm, dược phẩm cao. Khi phát hiện nó có quá nhiều ở vùng đất này, tôi về bàn với vợ bán toàn bộ ruộng bên Cái Nước, qua đây lập nghiệp” - chú Mười Ngọt kể.

Ngày 29-4-2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập tổ ong của chú Mười Ngọt là tổ ong gác kèo lớn nhất Việt Nam. Tổ ong nặng 43 kg, dài 2,2 m, rộng 1 m, chứa 15 lít mật.

Ngày 29-4-2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập tổ ong của chú Mười Ngọt là tổ ong gác kèo lớn nhất Việt Nam. Tổ ong nặng 43 kg, dài 2,2 m, rộng 1 m, chứa 15 lít mật.

Ban đầu, chú học lóm được cách phát hiện từ xa các tổ ong trong các lùm rừng. Bằng cách này, chú và hai con trai của mình mỗi năm đi lấy tổ ong thu được khoảng 2.000 lít mật. Năm 2000, chú mời ông Sáu Sơn (một thợ rừng chuyên nghiệp trong Tập đoàn ăn ong Phong Ngạn) về giảng dạy cho cả ba cha con. Và từ đó, nhà chú bắt đầu nghề gác kèo ong ngay trên khu rừng của mình.

Hiện nhà chú đang gác hơn 1.000 kèo ong mật, có thường xuyên khoảng 500-600 tổ ong. Mỗi năm chú thu hoạch được hơn 5.000 lít mật ong rừng.

Ở cái tuổi gần 70, chú Mười Ngọt quan niệm tiền bạc không quan trọng bằng cái niềm vui sướng tinh thần. Cái khiến chú nghĩ tới thấy vui, thoải mái là quá trình cả nhà bảo vệ đàn ong rừng tràm U Minh Hạ.

Theo thời cuộc, rừng U Minh Hạ bị thu hẹp dần vì người ta luôn hướng đến các mô hình kinh tế rừng mới hơn, hiệu quả cao hơn. Nhà chú vẫn đồng lòng giữ lấy một góc rừng U Minh Hạ thuần khiết. Giờ chú đã có được 200 ha, cũng đủ để cho đàn ong hơn 500 tổ sinh tồn.

Vào năm 2017, một nhóm người đưa ong Ý vào U Minh Hạ để nuôi với quy mô lớn. Chú Mười Ngọt đâm lo nên đi tìm hiểu và chú đã chứng kiến một cảnh tượng khó tin. Chú kể: “Mười đã tận mắt thấy chúng đánh nhau. Xác chết tính bằng giạ. Hai bên cùng chết. Mười khẳng định khi đủ mật để ăn thì chúng mạnh ai nấy tìm ăn. Còn khi vào mùa rừng ít bông ít mật, chúng sẽ tìm tiêu diệt nhau để giành phần ăn ít ỏi đó. Nó như chiến tranh, hai bên cùng thiệt mạng”.

Sau đó, người ta cho lui toàn bộ đàn ong Ý. Chú Mười Ngọt và những nông dân U Minh Hạ yêu quý nghề gác kèo ong đã mở tiệc tưng bừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm