Trong ngày 1-12, Cơ quan Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) cho biết đã nhận được sự hợp tác đối với vụ tập trận, đồng thời thông tin rằng “vùng nguy hiểm dùng để phóng tên lửa không ảnh hưởng đến vùng trời trên lãnh hải Nga”.
Đợt tập trận tên lửa sẽ bắt đầu từ ngày 1-12 và kéo dài trong vòng hai ngày với mục đích củng cố năng lực quốc phòng của quân đội Ukraine. Volodymyr Kryzhanovsky, một quan chức quân đội Ukraine, khẳng định rằng đợt tập trận ở vùng Kherson, phía Nam Ukraine, gần biên giới Crimea được tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế.
Hệ thống phóng tên lửa di động OTR-21 Tochka-U của Ukraine diễu hành trong ngày Quốc khánh (24-3-2016) Ukraine ở trung tâm Kiev. Ảnh: REUTERS
Tin tức về vụ thử tên lửa trước đó đã khiến điện Kremlin bất bình. Đáp lại, Moscow lập tức đặt lực lượng phòng không vào tình trạng báo động cao và điều động tàu chiến tới biển Đen. Một nguồn tin trong quân đội Nga cũng buộc tội Ukraine cố tình “kích động căng thẳng”, theo hãng tin Reuters.
Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhận định vụ thử tên lửa này sẽ tạo “một tiền lệ nguy hiểm” trong khu vực. Trả lời báo giới, ông Peskov khẳng định bản thân cũng không rõ liệu Tổng thống Putin có ra lệnh cho Bộ Quốc phòng chuẩn bị đáp trả quân sự trước vụ thử tên lửa của Ukraine hay không.
“Ở Kremlin, chúng tôi không muốn phía Ukraine có động thái nào vi phạm luật pháp quốc tế, có thể đặt các chuyến bay quốc tế qua không phận Nga và các khu vực lân cận vào tình trạng nguy hiểm” - ông Peskov nói.
Trước đó, truyền thông Ukraine đăng tải nhiều thông tin cho rằng Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo với đại sứ Ukraine rằng Moscow sẽ bắn hạ tên lửa và phá hủy tàu khu trục nếu Kiev thử tên trong không phận gần Crimea, hãng tin Reuters cho biết.