Bác sĩ CK2 Lý Thái Lộc, trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, khám và tư vấn cho bệnh nhân điều trị hiếm muộn - Ảnh: Mỹ Dung
Theo đó, châm cứu trước và sau khi chuyển phôi sẽ làm tăng khả năng thụ thai của các ca thụ tinh trong ống nghiệm lên 20%.
Thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp giảm phần nào nỗi bất hạnh vô sinh nhưng tỉ lệ thành công khi cấy phôi vào bệnh nhân hiện là dưới 30%.
Tăng tỉ lệ có thai cả với người trên 35 tuổi
Báo cáo tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ lần thứ 23 do ĐH Y dược TP.HCM tổ chức ngày 9-1, ThS.BS y học cổ truyền Quan Vũ Ngọc cho biết hơn 30 năm nay, cả thế giới đều luôn nghiên cứu tìm những phương cách hiện đại để giúp tăng cao tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Gần đây, phương pháp châm cứu được nghiên cứu áp dụng trong điều trị vô sinh ở nhiều nước phương Tây nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa ứng dụng.
Mặt khác, chưa nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của việc châm cứu liên quan đến điều trị vô sinh bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Vì thế, cùng với PGS.TS Nguyễn Duy Tài (bộ môn sản ĐH Y dược TP.HCM), bác sĩ Vũ Thị Nhung (Hội Phụ sản TP.HCM), bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc (trưởng khoa hiếm muộn BV Hùng Vương), ThS.BS Quan Vũ Ngọc đã thực hiện nghiên cứu hiệu quả của phương pháp kết hợp đông - tây y này. Nhóm tác giả đã thực hiện và cho kết quả nghiên cứu trên 68 bệnh nhân đang điều trị hiếm muộn tại BV Hùng Vương theo phương pháp đối chứng.
Những bệnh nhân được chọn là nữ tuổi dưới 38, từng được bơm tinh trùng vào buồng tử cung hơn ba chu kỳ nhưng thất bại hoặc vô sinh do tắc vòi tử cung hai bên, lạc nội mạc tử cung nặng, vô sinh do yếu tố nam nặng, vô sinh không rõ nguyên nhân. Tất cả bệnh nhân này được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đã đến giai đoạn chuyển phôi. Vào trước và sau thời điểm chuyển phôi, họ được bác sĩ chỉ định châm cứu 25 phút tại các huyệt ở tai (nhĩ châm), đầu, vùng bụng và chân (thể châm). Kết quả, châm cứu làm tăng tỉ lệ thụ thai lên hơn 20%.
Cụ thể, với những bệnh nhân được châm cứu tỉ lệ thử HCG sau hai tuần cho thấy 50% có thai, và ở nhóm giả châm cứu chỉ có 26,5% bệnh nhân có thai. “Kết quả này cho phép chúng tôi loại trừ việc châm cứu chỉ là một liệu pháp tinh thần vì với những bệnh nhân thực hiện theo phương pháp giả châm, tỉ lệ thụ thai ngang với tỉ lệ không can thiệp, ở mức dưới 30%”, ThS.BS Quan Vũ Ngọc khẳng định. Đáng nói là theo lý thuyết, tuổi càng cao thì khả năng mang thai sẽ giảm nhưng ở đây số bệnh nhân thụ thai lại tập trung đa số ở nhóm trên 35 tuổi. Tỉ lệ này ở nhóm bệnh nhân được châm cứu là 58,3%, trong khi từ 35 tuổi trở lên khả năng thụ thai ở nhóm giả châm chỉ đạt 16,7%.
Chưa thấy tác dụng phụ
Các bác sĩ bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ tháng 11-2012, đến nay thực hiện trên 99 bệnh nhân, trong đó 10 phụ nữ đã sinh con. Kết quả theo dõi biểu hiện của bệnh nhân sau châm cứu cho thấy dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp tâm thu, nhiệt độ và nhịp thở đều cải thiện nhưng biểu hiện trước và sau khi châm cứu một thời gian đều không có gì bất thường. Ở một khía cạnh khác, bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc cho biết những bệnh nhân “có thai sinh hóa” (dương tính với HCG) trong 68 bệnh nhân đó không ca nào sẩy thai.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và theo dõi các bệnh nhân được châm cứu từ thai sinh hóa, thai lâm sàng, thai diễn tiến đến khi bệnh nhân sinh con. Sau khi có kết luận thống kê, BV Hùng Vương sẽ triển khai châm cứu cho toàn bộ bệnh nhân điều trị hiếm muộn theo dạng thụ tinh trong ống nghiệm”, bác sĩ Lý Thái Lộc hồ hởi nói. PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, phó chủ nhiệm bộ môn phụ sản ĐH Y dược TP.HCM, trưởng khoa sản Bệnh viện Hùng Vương, cho biết thế giới đã bắt đầu nghiên cứu và phối hợp điều trị vô sinh giữa đông y và tây y. Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này và kết quả thật sự lạc quan.
351 đề tài chuyên ngành y khoa được báo cáo Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ lần thứ 23 và Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 31, ĐH Y dược TP.HCM diễn ra vào ngày 9 và 10-1. Hội nghị thu hút 137 đề tài khoa học công nghệ tuổi trẻ và 215 đề tài chuyên ngành: nội, y học cơ sở, nhiễm, thần kinh, gây mê hồi sức, lão khoa, hồi sức cấp cứu chống độc, ngoại niệu, u máu, chẩn đoán hình ảnh, tạo hình thẩm mỹ, ung thư, giải phẫu học, phụ sản, nhi, tai mũi họng, mắt, y tế công cộng, khoa học cơ bản. Đây là một trong những hoạt động thường niên của ĐH Y dược TP.HCM. |
Theo MỸ DUNG (TTO)