Ngày 25-6, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, chủ trị hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quý Vương thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công an
Thông tin từ Cổng TTĐT Bộ Công an, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương (CATW) và Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã đã có bài phát biểu với chủ đề: Những kết quả nổi bật trong công tác khởi tố, điều tra, nhất là những kinh nghiệm hay trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Phá nhiều đại án, thu hồi hàng chục ngàn tỉ
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết từ năm 2016 đến nay lực lượng công an đã phát hiện, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế. Cụ thể, CQĐT các cấp đã thụ lý điều tra 589 vụ, hơn 1.400 bị can. Đáng chú ý là số vụ án khởi tố mới năm 2017 tăng 49,6% so với năm 2016; quý I-2018 tăng 33% số vụ, 18% số bị can so với cùng kỳ năm 2017. Việc phát hiện, điều tra tội phạm đã được quan tâm ở cấp trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, ngành công an đã đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng điều tra, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Về cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án. Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, vụ nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến Ngân hàng Đại Dương; vụ án Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á... Ngoài ra, đang điều tra, làm rõ vụ Phan Văn Anh Vũ với nhiều tội danh, liên quan đến nhiều cán bộ cao cấp vi phạm.
Đặc biệt, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được chú trọng và đạt được kết quả tốt hơn; đã thu hồi một lượng đáng kể tài sản cho Nhà nước. Trong năm 2017, các CQĐT đã thu hồi cho Nhà nước 21.500 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2016.
Điển hình như vụ Ngân hàng Đại Tín đã thu hồi và kê biên 10.000 tỉ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á thu hồi 1.000 tỉ đồng; vụ tổ chức đánh bạc do Công an tỉnh Phú Thọ điều tra, khởi tố đã thu hồi bước đầu hơn 1.000 tỉ đồng; kiến nghị Ngân hàng Hàng Hải kịp thời thu hồi 7.300 tỉ đồng cho vay có dấu hiệu dễ bị thất thoát…
4 kinh nghiệm trong điều tra tham nhũng
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng.
Một là, việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và cấp ủy các cấp.
Hai là, phải có quyết tâm chính trị cao, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch điều tra và các giải pháp, bước đi phù hợp theo đúng phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư là: “Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”. Những vấn đề phức tạp khác cần có thời gian thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng và được điều tra xử lý trong các giai đoạn tiếp theo của vụ án. Không vì lý do vướng mắc về áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp mà để vụ án kéo dài hoặc gây dư luận phức tạp.
Ba là, sâu sát trong chỉ đạo thực hiện công tác chuyên môn, lựa chọn những vấn đề nổi cộm để triển khai biện pháp nghiệp vụ điều tra, đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức bố trí lực lượng điều tra đủ về số lượng và năng lực để đảm bảo tiến độ điều tra từng vụ án cụ thể. Các vụ án kinh tế cần chú ý về hoạt động tài chính để phát hiện, chứng minh hành vi tham nhũng và kịp thời phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng.
“Như trong vụ án tại Vinashin khi tìm theo dòng tiền đã phát hiện Giang Kim Đạt tham ô 260 tỉ đồng rồi chuyển vào 22 tài khoản mang tên cha đẻ là Giang Kim Hiền để mua 40 bất động sản và các tài sản khác...” - Thượng tướng Lê Quý Vương lấy ví dụ.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng thành lập các tổ công tác liên ngành khi cần thiết để trao đổi, nắm bắt kết quả, tiến độ và thảo luận, tháo gỡ vướng mắc nảy sinh trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử; hạn chế điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần. Đồng thời tranh thủ ý kiến hướng dẫn phối hợp của các cơ quan kiểm tra của Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, thanh tra, kiểm toán; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan truyền thông, không để các đối tượng xấu xuyên tạc, gây mất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội…