Ngày 29-6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến thảo luận thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương và giải pháp Bộ Y tế đã triển khai; Tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng Kế hoạch phân bổ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế.
Tại hội nghị, chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… đã tác động tiêu cực đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
|
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thuốc vật tư trang thiết bị y tế có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, tới công tác phòng, chống dịch, khám chữa bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm;… là những nguyên nhân chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh thời gian qua, Bộ Y tế đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính bao gồm: Chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế…
Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hoá chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn.
Tăng cường nhân lực làm chuyên trách quản lý về trang thiết bị y tế tại Sở Y tế và các cơ sở y tế. Tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định về kê khai giá trang thiết bị y tế để phổ biến, tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức thực hiện đúng quy định, tránh việc chậm trễ trong mua sắm, đầu thầu trang thiết bị y tế.
Tại hội nghị, đại diện các Bệnh viện trực thuộc Trung ương và lãnh đạo Sở Y tế các địa phương đã tập trung thảo luận về các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và đẩy mạnh tốc độ triển khai chương trình phục hồi và phát triển y tế theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia, việc cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề đăng kí lưu hành thuốc và đấu thầu, mua sắm thuốc có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, phân phối thuốc.
Các doanh nghiệp dược dự kiến, việc cung ứng các thuốc sẽ gián đoạn ít nhất 3 tháng. Tính đến thời điểm này, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia 2022 - 2023 và công tác đàm phán giá đang được khẩn trương thực hiện, trong khi các cơ sở y tế vẫn chờ kết quả của việc đấu thầu, đàm phán giá để mở các gói thầu cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15, các ĐBQH đã chỉ ra những khó khăn của ngành y tế cần sớm được tháo gỡ bằng chính sách. Như sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men.
Trong năm nay, sẽ có nhiều chính sách của lĩnh vực dược được điều chỉnh, bổ sung. Dư luận kỳ vọng những thay đổi này có tính dài hạn và bền vững để tạo điều kiện cho ngành dược phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài như đổi mới thủ tục đăng kí lưu hành thuốc thông qua việc Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 32/2018/BYT.
Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu của thực tế đặt ra và tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn.