Từ tháng 4/2011, chính phủ của ông Cameron đã thực hiện việc đo chỉ số hạnh phúc bằng cách thực hiện các cuộc điều tra thường xuyên trong công chúng với các câu hỏi cơ bản (theo thước đo từ 1 tới 10) như: Hôm qua bạn hạnh phúc như thế nào? Hôm qua bạn cảm thấy lo lắng điều gì? Dạo này bạn có hài lòng với cuộc sống của mình không? Bạn có nghĩ những việc bạn làm trong cuộc đời là có ý nghĩa không?...
Nói chuyện tại Hội nghị Google Zeitgeist Europe vào cuối năm 2010, ông Cameron cho rằng: "Đã đến lúc chúng ta thừa nhận rằng có nhiều thứ trong cuộc sống hơn là chuyện tiền bạc, và đã đến lúc chúng ta phải tập trung không chỉ vào GDP mà còn vào cả GWB (General Wellbeing - hạnh phúc nói chung)".
Theo ông Cameron, hạnh phúc nói chung không thể đo bằng tiền hay là mua bán được trên thị trường. Nó là vẻ đẹp của môi trường xung quanh, chất lượng của văn hóa, và trên tất cả, là sức mạnh của các mối quan hệ của chúng ta. Vì thế, Thủ tướng Cameron coi việc nâng cao nhận thức của xã hội về hạnh phúc nói chung là thách thức chính trị trọng tâm của thời đại và ông quyết tâm là người đi tiên phong trong phong trào này.
Quyết định này của ông Cameron đã gây ra nhiều lời dèm pha từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều người cho rằng đây chỉ là thủ thuật chính trị làm phân tán sự quan tâm của công chúng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do khủng hoảng, ngân sách quốc gia cho an sinh xã hội bị thu hẹp và tình trạng thất nghiệp tràn lan.
Một số khác, đứng từ góc độ chuyên môn, thì nhìn động thái này với con mắt hồ nghi. Krugman viết trên blog của ông được New York Times đăng tải rằng: "Câu hỏi đặt ra là động thái này tạo được sự khác biệt gì. Chính sách của nhà nước sẽ thay đổi thế nào nếu chúng ta đồng ý với nhau là hạnh phúc chứ không phải GDP mới là mục tiêu? Cuối cùng thì các chính phủ cũng chẳng chạy theo mục tiêu tối đa hóa GDP, vì thế tại sao chúng ta nghĩ rằng, nếu chúng ta sẽ tạo được sự thay đổi bằng cách chuyển một mục tiêu mà vốn dĩ trước nay họ cũng chẳng hướng đến?".
Krugman còn lập luận rằng, yếu tố cốt lõi của hạnh phúc là việc có công ăn việc làm. Ngoài việc tạo thu nhập ổn định, có công ăn việc làm còn giúp một người tự tin và thỏa mãn lòng tự trọng. Vì thế, cần phải tạo ra nhiều công ăn việc làm nếu muốn giúp công chúng hạnh phúc hơn. Từ chỗ đó, Krugman cho rằng: "Thật là hài hước là Cameron lại thúc đẩy cái kinh tế học về hạnh phúc trong khi ông ta đang theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng vốn đang gây ra bao nhiêu đau khổ cho dân chúng, hơn nhiều lần so với chuyện làm giảm GDP".
Những chỉ trích kiểu như của Krugman có lẽ dựa trên sự hồ nghi của các học giả này vào thước đo hạnh phúc. Và điều này là hoàn toàn có cơ sở. Hạnh phúc là cái rất khó đo đếm, nếu không muốn nói là không thể. Đã có nhiều người muốn đưa ra các chỉ số rộng hơn là GDP khi nói về phát triển, thí dụ như chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, họ cũng chỉ dừng lại ở việc đưa một số yếu tố như tuổi thọ trung bình và trình độ giáo dục để bổ sung cho chỉ số về thu nhập chứ không hơn. Theo các nhà bình luận, cho tới giờ, nếu chỉ nhìn vào các cuộc thăm dò dư luận với những câu hỏi đơn giản như ở trên thì rõ ràng là ý tưởng của ông Cameron vẫn chưa được thực hiện một cách khoa học và bài bản cho lắm.
Một sự trùng hợp tương đối thú vị nữa là vào năm 1991, văn sĩ Michael Frayn đã viết một quyển sách với tựa: "Đáp xuống Mặt trời" (A Landing on the Sun). Quyển sách này nói về một thủ tướng Anh đã giao nhiệm vụ cho các cố vấn của mình phải nghiên cứu về hạnh phúc và làm thế nào để chính phủ có thể giúp dân hạnh phúc hơn. Nhiệm vụ này quá khó khăn, người cố vấn đã phát điên và chết. Cho tới giờ vẫn chưa có cố vấn nào của Thủ tướng David Cameron phát điên và chết vì nhiệm vụ này (!).
M.T. tổng hợp (ANTG)