Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2016 là năm đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; một năm mà trong nước “thiên tai, nhân tai” diễn ra khốc liệt, trong khi đó tình hình thế giới và khu vực diễn biến khó lường. Cùng với đó, nhiều hạn chế, tồn tại của nội tại của nền kinh tế như sức cạnh tranh thấp, nhiều khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế- xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 6,21%; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát…
Đáng chú ý, năm 2016 lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 890.000 tỉ đồng.
Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, văn hóa, xã hội, theo Thủ tướng cũng có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra chín điểm bất cập, tồn tại. Theo Thủ tướng, ngành khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô; thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặt, lũ lụt nghiêm trọng diễn ra trên mọi miền; sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở các tỉnh miền Trung.
“Vụ cá chết ở miền Trung đã thiệt hại 0,3% GDP” - Thủ tướng nói.
Để xử lý sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đến nay người dân đã yên một bước.
Thủ tướng cũng cho biết công tác phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu trong năm qua được cả hệ thống vào cuộc, với chủ trương “không để một người dân nào đứt bữa, bệnh tật trong thiên tai”.
Tiếp đó, các dự án ngàn tỉ thua lỗ, mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cạnh đó, nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, trong đó có một số vụ án giết người nghiêm trọng.
Có các sai phạm trong công tác cán bộ, như vụ Trịnh Xuân Thanh và một số vụ khác…
Xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm bốn bậc.
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung sâu vào phân tích, đánh giá sát bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế để đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực. Quan tâm lựa chọn, đề xuất những ngành, lĩnh vực ưu tiên đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Đặc biệt, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải trên tinh thần đổi mới, thể hiện được vai trò kiến tạo của Chính phủ, sự quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước liêm chính, hành động quyết liệt; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.