Chiều tối ngày 16-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện yêu cầu các Bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm SGK và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện 4 nhiệm vụ. Một trong 4 nhiệm vụ là khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước.
Bộ GD&ĐT biên soạn bộ SGK
Trước đó, báo cáo của đoàn giám sát UBTVQH tại phiên giám sát về đổi mới chương trình, SGK ngày 14-8 có đánh giá về việc tiếp tục giao Bộ GD&ĐT chủ trì việc biên soạn một bộ SGK sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Mục đích để bảo đảm thực hiện trách nhiệm quản lý của nhà nước trong triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: quản lý nội dung giáo dục phổ thông; việc cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý các rủi ro trong trường hợp không có SGK hoặc SGK không bảo đảm chất lượng, yêu cầu; quản lý giá SGK; trang bị sách cho mượn tại thư viện các trường; biên soạn sách chữ nổi cho người khiếm thị và cung cấp SGK cho học sinh và thư viện các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị nội dung SGK. Ảnh minh hoạ: NGUYỄN QUYÊN |
Theo Nghị quyết 88 về biên soạn SGK, chỉ có Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách). Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK.
Bộ GD&ĐT không biên soạn một bộ SGK gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 36 tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị nên có 1 bộ SGK để sử dụng chung.
Từ đó, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, trình quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước.
Cân nhắc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị SGK
Tại phiên giám sát về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nêu rõ quan điểm cân nhắc về việc biên soạn bộ SGK của nhà nước.
Theo Bộ trưởng, Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không? Giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?.
Bộ GD&ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK, mà còn hệ trọng hơn nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại phiên giám sát. Ảnh: BỘ GD&ĐT |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, nếu lo lắng về an toàn an ninh SGK thì điều này cũng không thành vấn đề, vì NXBGDVN, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ SGK.
SGK cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… Và xem ra, điều này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết số 122 năm 2020 cho phép Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn.
Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề.
Tuy nhiên, đáp lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, chương trình chỉ quy định là khung kiến thức nhưng kiến thức được thể hiện trong SGK.
Do đó, nếu Bộ GD&ĐT cũng như Chính phủ chỉ giữ vai trò phê duyệt khó đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển kiến thức phổ thông.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nếu chỉ xem SGK là học liệu thì không hoàn toàn đúng.
Chúng ta cần phải hiểu đúng về Nghị quyết 88, trong đó yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK. Dù xã hội hoá nhưng phải đảm bảo nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển giáo dục.
Theo Nghị quyết 88, ngoài chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, sau đó điều này đã không thực hiện được.
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải: Có hai phương án, giao cho Nhà xuất bản Giáo dục hoặc chọn một đơn vị tư vấn (nhà xuất bản) để làm sách. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều không thực hiện được do vướng các quy định của pháp luật Việt Nam và của Ngân hàng Thế giới. Sau đó, Bộ báo cáo Thủ tướng về phương án tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn nhưng hầu hết các tác giả đã ký hợp đồng soạn sách với các nhà xuất bản.
Lúc này, đã có 3 nhà xuất bản (gồm Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) hoàn thành 49 bản mẫu của 5 bộ SGK của 8 môn học, hoạt động giáo dục lớp 1 để thẩm định.
Năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa được thực hiện, đầu tiên ở lớp 1. Đến nay, việc thay sách ở cấp tiểu học đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11 và sẽ hoàn tất vào năm 2025.