Ngày 20-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum.
Sau khi chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh cần phát triển theo hướng nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, dứt khoát không để bị động bất ngờ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kn Tum. Ảnh: TTXVN |
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu trước hết tỉnh cần rà soát lại các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên… tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để năm sau cao hơn năm trước và phấn đấu vượt các mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ pháp lý liên quan tới đất đai, rừng, tài sản, vốn góp của nhân dân để giải phóng nguồn lực, tập trung cho phát triển nhanh và bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn vốn ngoài nhà nước, sử dụng hiệu quả để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch và năng lượng.
Thứ tư, thúc đẩy việc liên kết sáu nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối), đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cao nhất khu vực Tây Nguyên
Theo báo cáo, năm 2022, Kon Tum đạt và vượt 38/39 chỉ tiêu chủ yếu. GRDP tăng khá đạt 9,47%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách nhà nước tăng 10,56% cùng kỳ.
GRDP sáu tháng năm 2023 đạt 6,8% (đứng thứ 22/63 và cao nhất khu vực Tây Nguyên).
Nông nghiệp tiếp tục đà tăng tốt; chương trình OCOP được triển khai tích cực; hiện có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó bốn xã đạt chuẩn nâng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng bảy tháng năm 2023 tăng 16%; đón trên 1 triệu khách du lịch, tăng 20,4% so cùng kỳ…
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch, khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, không gian phát triển mới.
Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất. Gắn không gian phát triển kinh tế của tỉnh với các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ theo hành lang giao thông quốc lộ 14, 24 và hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng. Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế (nhất là sâm Ngọc Linh).
Thủ tướng phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: VGP |
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo. Khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và các tuyến đường nối với Lào, Campuchia.
Phát triển du lịch theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, trong đó có việc phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn.
Cùng đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tiềm năng. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng…
Tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đông người, kéo dài.
Xử lý các kiến nghị của tỉnh trong quý III-2023
Liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo với từng nội dung cụ thể trên tinh thần cơ bản đồng tình; các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền trong quý III-2023; trưởng hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh lập đề án cụ thể về phát triển Kon Tum theo các mục tiêu đã xác định và triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, trong đó đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đối với Khu du lịch Quốc gia Măng Đen.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ, sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không. Về triển khai dự án cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum, Thủ tướng nêu định hướng đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó làm, huy động hợp tác công tư để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án.
Về việc đầu tư đoạn còn lại Quốc lộ 24 khoảng 62 km qua Kon Tum và Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu phương án huy động nguồn lực, giao tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum triển khai các đoạn qua từng tỉnh.
Về phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để tháo gỡ vấn đề này, tỉnh Kon Tum thực hiện các nội dung theo Chương trình phát triển sâm Việt Nam (chủ yếu là sâm Ngọc Linh) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045…