Tối 19-8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Dự lễ có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực BBT TƯ Đảng cùng các Mẹ VNAH, Anh hùng LLVT Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ dự Lễ Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: HD |
Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: BTC |
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Lê Hồng Quang đã đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực suốt đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân
Ngày 20-8-1888, tại Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên; nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình trung nông. Lúc thiếu thời, Bác Tôn theo học nho học, học chữ quốc ngữ và học trường sơ cấp tiểu học Đông Dương tại Long Xuyên.
Tận mắt chứng kiến giai cấp công nhân bị chế độ thực dân áp bức, bóc lột; lòng yêu nước cháy bỏng trong Bác. Người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo và tham gia cuộc bãi công ở xưởng Ba Son…
Cuối năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo. Với bao cực hình tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, nhưng Bác vẫn giữ trọn khí tiết, vững niềm tin vào con đường cách mạng. Cũng chính tại nơi “địa ngục trần gian” này, người chiến sĩ Tôn Đức Thắng cùng với những chiến sĩ kiên trung khác “biến nhà tù thành trường học cộng sản”; Bác Tôn tổ chức thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa II (tháng 7/1960) Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch Nước. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về cõi vĩnh hằng, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III tháng 9/1969, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nay là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho đến lúc Người vĩnh biệt chúng ta.
“Tự hào với vùng đất đã sinh ra người con bình dị mà vô cùng cao quý; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang luôn khắc ghi lời chỉ dạy của Bác Tôn lúc về thăm quê hương, Bác căn dặn: các đồng chí “Phải đoàn kết, phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, Nhân dân ấm no, ai cũng được học hành như Bác Hồ mong muốn”, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang bày tỏ.
Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Lê Hồng Quang đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: HD |
Ông Quang cho biết, từ tỉnh thiếu lương thực, đến nay, An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng nông nghiệp, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương lực quốc gia và xuất khẩu; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng; quốc phòng an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới được giữ vững.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang. Ảnh: HD |
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang.