Sai phạm xây dựng nhiều do địa phương buông lỏng
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết công tác cấp giấy phép xây dựng và
quản lý xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng từng bước đi vào nề nếp. Công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động xây dựng được tăng cường bằng nhiều hình thức.
Bộ Xây dựng đã thường xuyên phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác thanh tra xây dựng, nhất là thanh tra quản lý
trật tự xây dựng đô thị. Theo đó, số lượng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm dần qua từng năm. Không còn ghi nhận các công trình vi phạm được “xử phạt cho tồn tại” kể từ sau thời điểm 15-1-2018 (thời điểm Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực).
Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016-2020) và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021-2025) và năm 2021 của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố, năm 2019 cả nước có 9.004 công trình vi phạm trật tự xây dựng, năm 2018 là 10.680 công trình, năm 2017 là 10.612 công trình, năm 2016 là 13.882 công trình, năm 2015 là 14.416 công trình vi phạm.
Trong bản báo cáo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được
dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Theo ông Nghị, nguyên nhân dẫn tới hạn chế trên là do một số chính quyền và cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai pháp luật về xây dựng. Năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
“Một bộ phận cán bộ, công chức ngành Xây dựng còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, quản lý, trì trệ, ý thức kỷ luật, đạo đức công vụ còn yếu, chưa chủ động sáng tạo, bám sát thực tiễn, vi phạm pháp luật” - ông nêu rõ.
Phải xem xét trách nhiệm của cán bộ địa phương
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả, thành tích của ngành xây dựng trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại trong công tác quản lý trật tự xây dựng,
quy hoạch. Đó là một số dự án còn vội vàng, các phương án quy hoạch chưa được dự báo cụ thể, một số địa phương, chủ đầu tư xé nát quy hoạch.
“Những khu đô thị kiểu mẫu như Linh Đàm,
ý tưởng ban đầu là không gian xanh, thoáng nhưng giờ đã bị lấp đầy. Đây là trách nhiệm của địa phương. Tôi đồng ý khởi tố ông Thản nhưng đồng thời phải khởi tố cán bộ xã phường để xảy ra vấn đề này, trách nhiệm thế nào? Ý tưởng quy hoạch thì rất tốt nhưng sau này bị xé nát” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng chủ trì và phát biểu tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 5 năm của Bộ Xây dựng chiều ngày 26-12
Thủ tướng nêu câu chuyện chính ông đã từng ở chung cư, phía sau toà chung cư có mảnh đất quy hoạch làm sân chơi cho trẻ em nhưng chỉ một vài năm đã biến thành nhà cao tầng. Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải tránh tình trạng “dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm làm tắc nghẽn giao thông”.
“Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp. Liên kết đô thị còn rời rạc ảnh hưởng đến hiệu quả tổng thể phát triển của vùng” - ông nói.
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý vấn đề nhà ở
xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân làm chưa tốt. Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nhiều lần đề nghị với Chính phủ, Bộ KH-ĐT bố trí nguồn lực để làm.
“Nhân đây tôi nói ý muốn làm nhà ở xã hội được phải một là đất đai - chính là địa phương quản lý. Địa phương có khu công nghiệp phải lo nhà ở cho công nhân, chúng ta có bao nhiêu mảnh đất cứ bán hết làm chuyện lọ chuyện kia mà không lo nhà ở cho công nhân” - Thủ tướng nói.
Về việc bố trí nguồn lực làm nhà ở xã hội, Thủ tướng cho biết những năm qua chỉ bố trí được “vài ba nghìn tỷ”, nhưng năm tới Chính phủ sẽ cố gắng bố trí thêm vốn đầu tư trung hạn để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Chính phủ cũng xem xét một số cơ chế đất đai thích hợp đề giải quyết vấn đề này.
Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ đã đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong trong kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) gồm: Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân 8,5% - 8,7%/năm; tỷ lệ đô thị hoá ước đạt 40%; Tỷ lệ cấp nước sạch tại đô thị tới cuối 2020 đạt 90%, tại nông thôn có 90,8% hộ có nguồn nước hợp vệ sinh; Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị đạt 91%.
Duy nhất nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là S bình quân nhà ở toàn quốc. Cụ thể năm 2020 chỉ đạt 24 m2 sàn/người, không đạt mục tiêu của kế hoạch đề ra là 25m2 sàn/người. Trong đó về phát triển nhà ở xã hội mới đạt 5,21 triệu m2, được khoảng 41,7 % so với mục tiêu đề ra là 12,5 triệu m2.
Về kế hoạch 5 năm tới 2021-2025, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tăng trưởng ngành từ 6-8%; phủ kín 100% quy hoạch đô thị, 100% xã thuộc huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới được lập quy hoạch. Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại đô thị đạt 100%; tỷ lệ đô thị hoá đạt 45%; 100% hộ dân đô thị được cấp nước sạch, 90% rác thải tại đô thị được thu gom, xử lý đúng quy định; S nhà ở bình quân toàn quốc đạt 26-27 m2 sàn/người, tại đô thị là 26 m2 sàn/người, nông thôn là 25 m2/người.
|