“Bộ GD&ĐT phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân và các địa phương, các trường, nhất là vấn đề tuyển sinh và phát huy quyền làm chủ của các trường để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế gắn với các biện pháp khắc phục và từ tổng kết thực tiễn. Những gì đã làm tốt thì phải làm tốt hơn, những gì còn hạn chế, yếu kém so với yêu cầu đặt ra thì phải ra sức khắc phục, ra sức sửa đổi, bổ sung; đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới GD&ĐT và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 diễn ra ngày 5-11.
Thủ tướng cho rằng kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có những mặt được nhưng cũng còn những mặt còn hạn chế. Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể, chặt chẽ, tổ chức hội nghị tổng kết để tiếp tục làm tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 tới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải khắc phục những hạn chế, yếu kém để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 tốt nhất.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục lấy ý kiến của các hội, tổ chức liên quan, tiếp thu trình độ giáo dục tiên tiến của các quốc gia và các tổ chức quốc tế để hoàn thiện khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tăng cường tính liên thông, tạo cơ hội để người học có thể dễ dàng tham gia học tập suốt đời gắn với hoàn thiện khung trình độ quốc gia.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đề xuất điều chỉnh khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng đảm bảo tính thống nhất, liên thông, liên kết, đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng tham gia học tập suốt đời.
Trong đó, bên cạnh THPT, Bộ GD&ĐT đề xuất có thêm trung học kỹ thuật (ba năm) có thể liên thông lên ĐH, giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp, trung cấp nghề liên thông lên CĐ và tiếp tục liên thông ĐH định hướng ứng dụng. Ngoài ra, người học ĐH ứng dụng có thể chuyển đổi sang học các chương trình ĐH định hướng nguyên cứu với điều kiện ràng buộc nhất định và ngược lại…