Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Những phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng hôm nay sẽ là phương châm hành động của cả nền kinh tế".
Thủ tướng: "30 năm cải cách mở cửa của Việt Nam và xu hướng hiện nay đã chứng minh một cách thuyết phục: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng". Ảnh: CHÂN LUẬN
Pháp Luật TP.HCM lược ghi phát biểu quan trọng này của Thủ tướng:
Tôi đã lắng nghe các báo cáo, các phát biểu rất thiện chí mang tính xây dựng, kiến nghị đích thực giữa các đại diện tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới, diễn giả, đại biểu. Các bộ trưởng, thứ trưởng Việt Nam đã phản hồi, thảo luận tích cực các vấn đề. Chính tôi cũng đã ghi lại các vấn đề lớn đã phát biểu hôm nay với một thái độ cầu thị lắng nghe.
Tôi cũng hoan nghênh chủ đề năm nay vì chúng ta đã biết thực tiễn 30 năm cải cách mở cửa của Việt Nam và xu hướng hiện nay đã chứng minh một cách thuyết phục: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay Việt Nam đã có 600.000 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế như Vietnam Airlines, FPT, Vinamilk, TH True Milk, Bitis, Vietjet Air, SaigonTourist...
Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập trong một năm. Và như vậy bình quân cứ một tiếng đồng hồ có 12 doanh nghiệp thành lập mới. Ngoài ra tại diễn đàn này, tôi cũng muốn nhắc đến một lực lượng đông đảo hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đây cũng là lực lượng kinh tế quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường doanh nghiệp vào 2020.
Điều đặc biệt tại Việt Nam đã có hơn 61.000 doanh nghiệp FDI kinh doanh, đầu tư gần 300 tỉ USD, trong đó có nhiều tập đoàn quốc tế danh tiếng. Đây là khu vực có tiềm năng, tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển tốt, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, có sự hợp tác tốt với các đơn vị kinh tế trong nước.
Năm 2016 tuy có những khó khăn nhưng tổng mức đầu tư vào Việt Nam hơn 17 tỉ USD. Trong chiến lược phát triển kinh tế 2016-2020 đã xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Tôi nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép, có tư cách pháp nhân ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước.
Đây là định hướng lớn của Chính phủ hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết hợp tác hiệu quả trong nền kinh tế quốc gia thống nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp FDI hãy đến với Việt Nam bằng khối óc và trái tim - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sau khi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển, cải cách thể chế, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hợp tác và phát triển sâu rộng, Thủ tướng kết luận:
"Tôi trao đổi với các bộ trưởng là chúng ta nghe phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý giải quyết đúng mức kịp thời, không phải nghe để biết rồi để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, doanh nghiệp được gì, nhân dân và người lao động được gì. Ba câu hỏi này đặt ra để làm chính sách tốt hơn, trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trên tinh thần đó Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hành động để doanh nghiệp Việt Nam vươn xa toàn cầu".