Cuộc gặp giữa các nguyên thủ dự kiến sẽ diễn ra tại Sochi, nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 2014, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào cuối tháng 5. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đến khu nghỉ dưỡng “Biển Đen” tại TP Sochi vào ngày 6-5. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước sẽ là tâm điểm của chương trình nghị sự.
"Tôi hy vọng rằng chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Shinzo Abe tại Sochi vào tháng 5 sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác Nga-Nhật trên cơ sở tôn trọng lợi ích chung của hai nước" - Tổng thống Nga tuyên bố với các đại sứ nước ngoài tại Kremlin. "Việc phát triển đối thoại đa phương với Nhật Bản là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chúng tôi" - ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ được tổ chức bởi Nhật Bản vào cuối tháng 5. Khối G7 là nhóm cường quốc công nghiệp bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tiền thân của G7 là G8, bao gồm Nga nhưng sau đó nước này đã bị khai trừ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào nước này vào năm 2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2014. (Ảnh: AFP)
Quan hệ Tokyo-Moscow trở nên xấu đi từ cuối Thế chiến II, khi Liên Xô kiểm soát bốn đảo cực nam trong quần đảo Kuril - vùng lãnh thổ phía bắc Nhật Bản. Trong những năm qua, lãnh đạo hai nước đã nhiều lần gặp nhau để thảo luận về vấn đề tranh chấp nhưng không đem lại kết quả.
Căng thẳng kéo dài giữa hai nước gây khó khăn trong việc ký kết hiệp ước hòa bình, cản trở quan hệ thương mại và đầu tư Nga-Nhật. Tuần trước, trong chuyến viếng thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẵn sàng tiếp tục đối thoại, Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: "Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi".
Về phía Nhật Bản, ông Fumio Kishida cho biết hai nước đã nhất trí "bắt đầu đàm phán về việc ký kết một hiệp ước hòa bình trong thời gian sớm nhất sau chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe".
Valeriy Kistanov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện nghiên cứu Viễn Đông, Viện khoa học Nga, cho biết: "Kim ngạch thương mại giữa Nga và Nhật Bản khá nhỏ so với quy mô toàn cầu và lệ thuộc vào biến động của thị trường". Cách đây ba năm, kim ngạch thương mại đạt mức cao nhất 35 tỉ đô. Tuy nhiên, con số này giảm gần 1/3 vào năm ngoái. Nguyên nhân của sự tuột dốc là hệ quả sau khi Nhật Bản tham gia "lệnh cấm vận Crimea" cộng với sự sụt giảm mạnh của giá dầu.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến thị trường Nga, đặc biệt ở lĩnh vực chế tạo máy móc, dược phẩm, truyền thông và nông nghiệp. Hai nước đang hợp tác thành công trong các dự án năng lượng chung Sakhalin-1 và Sakhalin-2.
Tất cả yếu tố này làm cho chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Moscow mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.