Thủ tướng: Phải xây dựng văn hoá mạng trong sạch, lành mạnh

(PLO)- Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng khẳng định chúng ta phải xây dựng văn hoá mạng cho trong sạch, lành mạnh, phát triển bền vững. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL).

Phải xây dựng văn hoá mạng cho trong sạch

Phát biểu tại hội nghị, bày tỏ trăn trở về sân vận động Mỹ Đình, Thủ tướng cho biết muốn làm phải suy nghĩ rất kỹ nếu không vướng luật. “Không làm theo luật thì không được, mà làm theo luật thì không tháo gỡ được khó khăn” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng vấn đề này đang phải tháo gỡ từng bước và khẳng định sân vận động Mỹ Đình và các công viên đang khai thác chưa xứng tầm với đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị về văn hoá
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị về văn hoá. Ảnh: NAM NGUYỄN.

Theo Thủ tướng, sân vận động Mỹ Đình hay các công viên đều có thể làm hợp tác công tư tốt. Lấy dẫn chứng từ sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh), một thành công của hợp tác công tư, Thủ tướng nói Nhà nước chẳng mất gì nhưng hoàn thiện được, đẹp hơn, hiện đại hơn.

“Huy động nguồn lực cho hợp tác công tư chúng ta phải đầu tư rất lớn. Văn hoá, thể thao có cơ hội, có điều kiện, có không gian để phát triển hợp tác công tư này nhưng chúng ta làm chưa tốt” - Thủ tướng bày tỏ.

Đề cập đến văn hoá mạng, Thủ tướng khẳng định chúng ta phải xây dựng văn hoá mạng cho trong sạch, lành mạnh, phát triển bền vững.

“Tất nhiên xây dựng văn hoá phải bao gồm thể chế và cả ý thức của con người, cả những người quản lý và người sử dụng, cả những người hưởng thụ nó, phải phân biệt cái gì đúng, cái gì sai”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập đến quảng cáo trên mạng với lãi suất tiền gửi đến 20, 30 thậm chí 50%, người đứng đầu Chính phủ nói đây là điều vô lý, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu được vấn đề này.

Bất kỳ ai cũng trở thành nạn nhân của văn hoá mạng

Cũng đề cập đến văn hoá mạng, trong bài tham luận tại Hội nghị, NSND Xuân Bắc nêu thực tế, có những trang nặc danh, trang giả cố tình gây hiểu lầm, tạo dư luận, đánh tráo khái niệm nhằm định hướng, kích động những người nhẹ dạ, hồ đồ thiếu hiểu biết.

Bên cạnh đó là một số bộ phận cư mạng sẵn sàng bộc lộ quan điểm, nhận thức của mình một cách đầy vội vàng, thiếu kiểm chứng; sẵn sàng phán xét, chụp mũ biến bất kỳ ai cũng trở thành nạn nhân bị bắt nạt, bị tấn công trên mạng xã hội. Không chỉ là người dân bình thường, còn có cả các nghệ sĩ, thậm chí cả các lãnh đạo cấp cao cũng có thể trở thành nạn nhân của văn hoá mạng.

thu-tuong-chung-ta-phai-xay-dung-van-hoa-mang-cho-trong-sach-1-7699.jpg
NSND Xuân Bắc trình bày tham luận tại hội nghị về văn hoá. Ảnh: NAM NGUYỄN.

Từ đó, NSND Xuân Bắc cho rằng nếu chúng ta cứ để tình hình này diễn ra thì không khéo một trong những nét văn hóa của con người Việt Nam trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua... như vậy quá quá nguy hiểm.

“Chính vì vậy, chúng tôi luôn chú ý đến công tác đính chính, chỉnh lý, giải thích kịp thời để tránh nghi ngờ lây lan. Đồng thời, Nhà hát Kịch Việt Nam thường dàn dựng những tiểu phẩm, những chương trình phối hợp với các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng của người dân về vấn đề này” - NSND Xuân Bắc nói.

Kỳ vọng 'nhận thức đúng sẽ hành động đẹp'

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết toàn ngành đã chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực VH-TT&DL.

Tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Toàn ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với ba nội hàm Dân tộc, Khoa học và Đại chúng được lan tỏa.

Các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong quá trình thực hiện, được nhiều tỉnh thành ủy làm cơ sở trong xây dựng ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa để có thể nhận định: nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng "nhận thức đúng sẽ hành động đẹp".

thu-tuong-du-va-phat-bieu-chi-dao-hoi-nghi-tong-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-1-9063-8920.jpg
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: NAM NGUYỄN.

Điểm lại một số kết quả, bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu sẽ chia sẻ, phân tích sâu hơn, rút ra được nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về kết quả để phát huy trong thời gian tới. Nhưng quan trọng hơn phải nhận thức một cách thấu đáo những tồn tại, hạn chế, khu trú lại để làm rõ trách nhiệm của bộ, của ngành.

"Không được chủ quan, tự mãn và càng không được nhụt chí, nản lòng trước khó khăn như lời Tổng Bí thư đã căn dặn ngành ta trong thư chúc mừng nhân dịp hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hoá toàn quốc năm 2023" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm