Sáng 15-9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cơn bão YAGI là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.
Trước tình hình bão lũ, thiên tai, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận rất kịp thời; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão.
Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo như chỉ đạo các giải pháp phân lũ từ thượng nguồn để bảo vệ đập thủy điện Thác Bà tại Yên Bái, đê Hoàng Long tại Ninh Bình.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thủ tướng biểu dương các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an…; người dân với sự ủng hộ, đồng lòng, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước đã nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Trung ương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thực hiện kết luận của Bộ Chính trị ngày 9-9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão.
Hội nghị triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước" - Thủ tướng nói.
Theo các báo cáo, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta.
Cơn bão này gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Tính đến 6 giờ ngày 15-9, đã có 348 người chết và mất tích.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành, các địa phương đã chủ động chỉ đạo từ sớm, từ xa, theo sát tình hình diễn biến bão, mưa lũ.
Các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo đó, lực lượng quân đội đã huy động gần 438.300 người, trên 6.640 phương tiện ứng phó với bão; gần 108.000 lượt người và trên 2.140 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.
Lực lượng công an huy động hơn 150.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão…
Về hậu quả do bão, lũ gây ra, Bộ NN&PTNT cho biết tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính đến 6 giờ sáng 15-9, đã có 348 người chết, mất tích; trong đó, Lào Cai: 168 người (118 người chết, 50 người mất tích); Cao Bằng: 58 người (53 người chết, 5 người mất tích); Yên Bái: 54 người (53 người chết, 1 người mất tích); Quảng Ninh: 25 người chết; Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hòa Bình: 7 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Hải Dương, Hà Nội có 1 người chết do bão…
Cạnh đó, gần 232.000 nhà bị hư hỏng; tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái...
Về nông nghiệp, có gần 190.400 ha lúa và trên 48.700 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; gần 3.300 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...
Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng; có 305 sự cố đê điều…