Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngân hàng có ưu đãi về vốn cho nông dân

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm yếu tố quan trọng của sản xuất nông nghiệp gồm xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng sản xuất, đầu ra cho sản phẩm, vốn và khoa học, công nghệ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-12, tại TP Hà Nội diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT chủ trì. Tham dự hội nghị có 300 đại biểu trong đó có trên 70 nông dân tiêu biểu là đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đối thoại với nông dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đến tham dự hội nghị đối thoại với nông dân. Ảnh: VGP

Đối thoại thực chất, thay đổi bộ mặt, đời sống người dân

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đại biểu chia sẻ những tự hào, ấn tượng, cũng như những băn khoăn, trăn trở về nông nghiệp, nông dân, nông thôn kể từ sau Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, chia sẻ thông tin, động viên, tạo khí thế, động lực mới, tạo động lực mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Đảng, Nghị quyết 19/2022 của Trung ương khóa XIII; Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị

Thủ tướng nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra trong những ngày cuối năm 2023, khi chúng ta đã đi hết ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Do đó, ông đề nghị đánh giá tình hình, những việc đã làm một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, bao trùm. Cùng đó là đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để thực hiện mục tiêu "nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái", trí thức hóa nông dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu việc đối thoại phải thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, sau đối thoại phải có tiến bộ, điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá… Từ đó góp phần thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân, với tinh thần nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.

3-thu-tuong-doi-thoai-voi-nong-dan-8476.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu mở đầu cuộc đối thoại. Ảnh: VGP

Không liên kết, không thể cạnh tranh

Đặt câu hỏi với Thủ tướng, anh Y Pốt Niê (Đắk Lắk) bày tỏ băn khoăn trong giai đoạn tới Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy nông dân chuyển đổi sang hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại.

“Từ năm 2024, EU sẽ cấm nhập khẩu cà phê có nguồn gốc từ phá rừng và khiến suy thoái rừng, vậy Chính phủ sẽ có giải pháp gì để đáp ứng và đảm bảo ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững?” - ông Y Pốt Niê đặt vấn đề.

Anh Bùi Văn Tuấn, đại diện Hợp tác xã (HTX) tỉnh Long An, mong Thủ tướng thông tin thêm về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL.

“HTX đang chuẩn bị kế hoạch và phương án tham gia đề án này nhưng chưa rõ sẽ có những chính sách cụ thể gì hỗ trợ cho nông dân và HTX tham gia đề án, mong Chính phủ thông tin thêm” - anh Tuấn nói.

4-thu-tuong-doi-thoai-voi-nong-dan-8544.jpeg
Anh Y Pốt Niê (Đắk Lắk) đặt câu hỏi với Thủ tướng tại buổi đối thoại. Ảnh: VGP

Trao đổi về câu hỏi của anh Y Pốt Niê, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay nếu người nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào một bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó. "Chúng ta không thể cạnh tranh với các nước quốc gia ở châu Âu nếu không liên kết những mảnh đất nhỏ, những mảnh vườn nhỏ trở thành một đại điền lớn là mô hình tỉnh Thái Bình đang làm" - ông nói.

Cũng theo ông Hoan, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với doanh nghiệp (DN) hỗ trợ bà con. Nếu bà con liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì cộng đồng DN luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu, ví dụ như cà phê Tây Nguyên, DN sẽ đầu tư hỗ trợ thêm về máy móc cơ giới, kho dự trữ cà phê… Và chính DN là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp.

Điều này cũng là một trong những giải pháp thích ứng với quy định mới của châu Âu như đại biểu vừa đề cập tới. “Quy định này bắt đầu áp dụng từ 1-1-2025 với ba ngành hàng nông sản lớn của Việt Nam, trong đó có cà phê” – ông Hoan cho hay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin thời gian qua, Bộ cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức, thích ứng với các quy định mới về chống suy thoái rừng của EU. Hiện đang trong quá trình đàm phán, thống nhất lại các quy định cụ thể.

Tuy nhiên, người nông dân Việt Nam cần chủ động hơn trong việc thích ứng với các quy định mới. “Bộ sẽ thông tin cụ thể đến bà con nông dân, có bộ phận hướng dẫn cụ thể để bà con nắm” – ông Hoan nói.

5 yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp

Đây là lần thứ 5 Thủ tướng đối thoại với nông dân. Trước đó, từ năm 2018 đến nay, đã có bốn lần Thủ tướng đối thoại với nông dân. Lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Hải Dương (2018), lần thứ hai được tổ chức tại TP Cần Thơ (2019), lần thứ ba tại tỉnh Đắk Lắk (2020) và lần thứ tư tại tỉnh Sơn La (2022).

Trao đổi thêm, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề mấu chốt trong nông nghiệp hiện nay có bốn vấn đề là giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nuôi trồng, thu mua và bán ra thị trường. Người nông dân cần tìm cách để tối ưu hóa sản xuất và quan trọng hơn cả là sản phẩm làm ra người dân bán được bao nhiêu, giá trị thu nhập mang về được bao nhiêu. “Công nghệ chỉ là một công cụ hỗ trợ cho người nông dân trong quá trình sản xuất” – ông Dũng nói thêm.

Nói về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Thủ tướng cho rằng sản xuất nông nghiệp có năm thành tố quan trọng. Đầu tiên là xây dựng thương hiệu, đây là yếu tố rất quan trọng vì khi có thương hiệu thì người nông dân mới bán hàng được.

Thứ hai là phải quy hoạch được vùng sản xuất nguyên liệu để đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.

Thứ ba, doanh nghiệp cung cấp đầu vào, đầu ra cho người nông dân. Thứ tư là cung ứng vốn và có ưu đãi để người nông dân yên tâm sản xuất và cuối cùng là yếu tố về khoa học công nghệ

“Muốn đáp ứng được những yếu tố nêu trên thì người nông dân phải có đề án, kế hoạch cụ thể” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Gần 2.000 câu hỏi, đề xuất với 6 vấn đề trọng tâm

Phát biểu khai mạc, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhìn nhận qua bốn lần tổ chức hội nghị, nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được giải quyết. Qua đó tạo sự chuyển biến trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

luong-quoc-doan-1-1444-4472.jpeg
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. Ảnh: VGP

Ông Đoàn thông tin, hội nghị đã nhận được gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị. Trong đó, bà con nông dân mong Chính phủ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/2023 về ưu tiên phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL.

Đồng thời, có giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp; ưu tiên hỗ trợ đầu tư vào việc quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.

Cạnh đó, các ý kiến, kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn; tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội như giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp...

“Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh”- ông Đoàn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm