Bộ Chính trị: Sớm giải quyết dứt điểm tồn tại ở các dự án trọng điểm quốc gia

(PLO)- Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài.... không lãng phí, phô trương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong đội ngũ cán bộ

Theo Bộ Chính trị, việc chống lãng phí những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều khó khăn, vướng mắc tiếp tục được khắc phục; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát được tăng cường; trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng được nâng cao…

Mặc dù vậy, nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng.

Cạnh đó, chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản nhà nước chưa hoàn thiện, còn bất cập.

Bộ Chính trị: Sớm giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài ở các dự án trọng điểm quốc gia
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. Ảnh: TTXVN

Từ thực tiễn đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức và huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc này phải gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, từng đơn vị, địa phương cần chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sớm có phương án giải quyết những tồn tại kéo dài

Một nhiệm vụ nữa được Bộ Chính trị yêu cầu là các cấp ủy, đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.

Đồng thời, có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. Các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng cũng cần có phương án giải quyết nhằm sớm đưa các tài sản này vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia…; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.

“Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người” – chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ và yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Cạnh đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm