Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, ngày 3-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hàn Quốc, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đơm hoa kết trái, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thế giới trước 3 yếu tố tác động và 3 lĩnh vực tiên phong dẫn dắt
Đại học Quốc gia Seoul là biểu tượng của nền giáo dục chất lượng cao Hàn Quốc, đại học hàng đầu của châu Á và nổi tiếng trên thế giới. Đại học Quốc gia Seoul gồm 24 trường thành viên và có hơn 30.000 sinh viên theo học hằng năm; thường xuyên có khoảng 50 học viên, nghiên cứu sinh Việt Nam học tập, nghiên cứu.
Nêu quá trình công tác, trưởng thành với những thành tựu nổi bật, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ khi là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tới là Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giáo sư Chae Soo-hong, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Quốc gia Seoul cho biết Đại học Seoul vinh dự và mong muốn được nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tầm nhìn chung về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước và thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực châu Á dựa trên kinh nghiệm phong phú và hiểu biết sâu sắc của mình.
Phát biểu trước đông đảo các giáo sư, giảng viên và sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về bề dày lịch sử và thành tựu của Đại học Quốc gia Seoul - cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo nổi bật như Tổng thống Yoon Seok Yeol, Thủ tướng Han Duck Soo, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon... và nền giáo dục Hàn Quốc. Thủ tướng Chính phủ cho biết Hàn Quốc có câu “Giáo dục là kế sách trăm năm,” Việt Nam xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”; nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; đây cũng là điểm tương đồng, cho thấy cả hai nước chúng ta đều rất coi trọng giáo dục đào tạo.
Đánh giá về vị trí, vai trò của Hàn Quốc trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng cho rằng với sự vươn lên mạnh mẽ và những thành tựu đạt được từ giữa thế kỷ trước đến nay, Hàn Quốc đã tiếp tục lập nên những kỳ tích mới, viết tiếp “kỳ tích sông Hàn," xác lập vị trí vững chắc và là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu.
Phân tích tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng Chính phủ cho rằng về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Tương lai thế giới đang bị tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ bởi 3 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 3 lĩnh vực tiên phong.
Trong đó, 3 yếu tố tác động, ảnh hưởng là: sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); tác động, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; sự phân tách, phân cực ngày càng rõ nét dưới tác động mạnh mẽ của xung đột, chiến tranh, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Còn 3 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong mà Thủ tướng đề cập là: Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và AI.
Theo Thủ tướng, kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có; phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết; xu hướng “phân cực trong toàn cầu hóa” mở ra các cơ hội về hợp tác, liên kết kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ; vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển ngày càng được coi trọng hơn, đóng góp chủ động, tích cực hơn trong định hình các khuôn khổ hợp tác và xu hướng phát triển mới trên toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng châu Á-Thái Bình Dương Ấn Độ Dương và ASEAN ngày càng khẳng định vai trò là động lực, là trung tâm phát triển năng động và là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới đến "Những chân trời tăng trưởng mới," “Những chân trời phát triển mới.”.
Việt Nam kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội
Thông tin về các yếu tố nền tảng và quan điểm phát triển, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 40 năm Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam - đó là kết tinh của nhận thức, ý chí, nguyện vọng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Trung ương và đã được khái quát, hệ thống hóa trong những tác phẩm, công trình lý luận lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên cơ sở đó, Việt Nam thực hiện 6 chính sách trọng tâm gồm: chính sách đối ngoại; chính sách quốc phòng; chính sách phát triển kinh tế-xã hội; chính sách bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội; đường lối phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng Đảng.
Thủ tướng cho biết trong gần 40 năm qua, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ công cuộc Đổi mới toàn diện và đồng bộ. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó với hơn 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và tương đương, trong đó có Hàn Quốc. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Việt Nam ngày nay là nước đang phát triển có thu nhập trung bình; một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; thuộc top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ trên dưới 100 USD những năm đầu đổi mới lên khoảng 4.300 USD hiện nay, tăng 43 lần.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam cũng đi đầu trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững, nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo. Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.”.
Chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm trong thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, công cuộc đổi mới và hội nhập và từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng đúc kết: “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.”.
Nêu tầm nhìn, định hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm mục tiêu tổng quát, là động lực phấn đấu; xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Việt Nam tiếp tục xác định rõ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và cần bám sát thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; trong đó tập trung thúc đẩy mạnh mẽ 6 lĩnh vực trọng tâm gồm: làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế.
Cùng với đó huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Mối lương duyên từ 800 năm trước
Nêu những thành tựu chủ yếu trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, nhắc mối quan hệ từ thế kỷ 12, 13 khi hai dòng họ Lý Việt Nam sang Cao Ly định cư, Thủ tướng cho biết trong hơn ba thập kỷ qua, vượt lên những khác biệt, rào cản đã từng ngăn trở quan hệ hai nước trong quá khứ, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã không ngừng phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á với mức độ hợp tác thành công chưa từng có.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc có 5 điểm tương đồng lớn: Tương đồng về lịch sử, có sự giao lưu văn hóa từ hơn 800 năm trước; Tương đồng về khát vọng phát triển đất nước thông qua hội nhập và mở cửa; Tương đồng về cách suy nghĩ nên dễ đồng cảm; Tương đồng trong giao lưu nhân dân với mối quan hệ thông gia ngày càng gắn bó; Tương đồng về khát vọng đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, thế giới.
Sau hơn 30 năm, đặc biệt từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện qua 8 điểm hơn: Tin cậy chính trị cao hơn; Hợp tác thương mại khởi sắc hơn; Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh hơn; Hợp tác lao động mở rộng hơn; Hợp tác du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn; Hợp tác giữa các địa phương gắn kết, thực chất hơn; Hợp tác khoa học công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu tiến triển hơn; Hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế chặt chẽ hơn.
Trên cơ sở những thành tựu quan hệ song phương đáng tự hào mà Nhân dân hai nước dày công vun đắp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất thúc đẩy 5 “ưu tiên” để tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa với những cách làm mới, tư duy mới và định hướng mới. Trong đó, ưu tiên củng cố nền tảng của quan hệ, đó là hiểu biết lẫn nhau và gia tăng tin cậy chính trị thông qua việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; triển khai có hiệu quả các cam kết, thỏa thuận cấp cao, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam Hàn Quốc; tăng cường hợp tác về ngoại giao, quốc phòng, an ninh.
Hai nước cần ưu tiên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, cân bằng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch thương mại đạt 100 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 150 tỷ USD.
Việt Nam và Hàn Quốc ưu tiên tạo đột phá về hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch song phương; tạo điều kiện để nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về văn hóa, đất nước và con người của nhau; ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu; chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, hai nước hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương tại Liên hợp quốc, các khuôn khổ ASEAN-Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc; tiếp tục ủng hộ và chia sẻ tầm nhìn chung về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; đồng thời Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa, duy trì hòa bình và ổn định, hợp tác và phát triển trên Bán đảo Triều Tiên.
Cho rằng thế hệ trẻ, sinh viên là chủ nhân của tương lai, là lực lượng tiên phong trong phát triển và xây dựng đất nước, sinh ra và học tập trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, các bạn trẻ có điều kiện và lợi thế; thế hệ trẻ và sinh viên hai nước có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của quan hệ hai nước với các ưu tiên kể trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng chính các em sẽ là những người góp phần tạo nên thế kỷ của hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, cùng với những người bạn tốt Hàn Quốc, những sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây đang rất mong muốn, khát khao dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn; các em sẽ trở thành những nhân tố quan trọng đóng góp hữu ích trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp và cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển rực rỡ.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững với tương lai tươi sáng phía trước - nhờ có những yếu tố nền tảng quan trọng của hai nước, nhất là quyết tâm chính trị, sự song trùng về lợi ích và sự tương đồng về văn hoá và sự gắn kết nền tảng xã hội; nhấn mạnh với bề dày lịch sử quan hệ đã được nhân dân và lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, tiềm năng hợp tác giữa hai đất nước và với tinh thần quyết tâm, sức sáng tạo, nội lực và sự gắn bó chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ phát huy những điểm tương đồng, bổ trợ, hỗ trợ cho nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, cùng phát triển thịnh vượng.
Tại buổi thuyết trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời nhiều câu hỏi của các giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul về kinh nghiệm quản trị quốc gia; tầm nhìn, giải pháp để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ theo hướng cân bằng hơn; giải quyết những vấn đề mặt trái của quá trình phát triển.