Thủ tướng: Sự trì trệ, sai sót lớn là do điều hành mà ra

Chiều 1-11, sau bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trả lời một số câu chất vấn của các ĐBQH, trong đó có câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm liên quan đến giải pháp của Chính phủ để bộ máy hoạt động hiệu quả, trách nhiệm, kỷ cương hơn.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Không sơ sài, vô trách nhiệm

Cụ thể, bà Tâm đặt vấn đề qua đợt lấy phiếu tín nhiệm tại QH tuần trước cho thấy có một số bộ trưởng đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém từ nhiều năm trước bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả này cũng “cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của một số thành viên Chính phủ”.

“Từ tình hình đó tôi đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại?” - Chủ tịch HĐND TP.HCM đặt câu hỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay câu hỏi rất lý thú. “Như chúng tôi đã nói, năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều nằm trên cổ tay, cổ tay đó chụm lại. Tức sự đoàn kết nhất trí trong Chính phủ với 30 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng và sáu đồng chí của Bộ Chính trị” - Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, có câu “trăm dâu đổ đầu tằm”, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm những yếu kém trong lĩnh vực mình phụ trách.

Thủ tướng nêu một vài biện pháp lớn. Thứ nhất, Thủ tướng phải chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc tốt hơn cả bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh. “Thực tế tôi đã nói trên, cùng một cơ chế, cùng chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt, ngược lại còn có sự trì trệ, sai sót lớn là do điều hành mà ra” - Thủ tướng cho hay.

Biện pháp thứ hai được Thủ tướng nêu là các vị thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác, nhất là phương thức nêu gương, kiểm tra các cục, vụ, viện. Cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh” mà chúng ta thường hay nêu.

Thứ ba là tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, sát địa phương để không “đuổi gà qua đám giỗ”, sơ sài, vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Cuối cùng Thủ tướng cho rằng thay đổi công tác cho phù hợp. “Nhân đây với tâm tư của nhiều bộ trưởng, tôi muốn nói ở mọi nước, nhất là đất nước đông dân như nước ta thì Chính phủ, bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành thì điều hành rất phức tạp, nhiều rủi ro. Tôi cũng mong các ĐBQH thông cảm vì anh em phần lớn là nhiệm kỳ đầu” - Thủ tướng bày tỏ.

Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân

Thủ tướng cũng trả lời câu hỏi của ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng. Cụ thể, ĐB Hoa cho hay tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng thực hiện hai nội dung lớn.

Thứ nhất, thu hồi để sửa lại vì thời hạn sử dụng đất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp sai. Thứ hai, thu hồi số tiền 5%-10% mà chính quyền đã giảm khi cấp giấy chứng nhận trong một số dự án bồi thường, giải tỏa.

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng).

Để thực hiện kết luận này, chính quyền Đà Nẵng đã hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch, chuyển nhượng, xây dựng trên đất. Điều này đã gây ra những ách tắc rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phản ứng quyết liệt của người dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Bởi lẽ họ là những người nhận chuyển nhượng, không phải là người được giảm số tiền 5%-10%. Đây là vấn đề rất nóng tại địa phương. "Tháng 6, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Phương án xử lý vấn đề này thế nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp" - vị đại biểu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện các nội dung của kết luận thanh tra, trong đó có việc tập trung khắc phục những sai phạm đã xảy ra.

Về cơ bản, TP đã hoàn thành hầu hết các nội dung theo kết luận thanh tra, chỉ còn hai vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật về đất đai về thời hạn sử dụng đất. Thứ hai là thu hồi cho ngân sách khoản tiền 10% mà TP đã giảm trái quy định của pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

 “Vấn đề cơ bản, cả hai việc này TP Đà Nẵng đã làm trái luật. Việc này đã rõ ràng, tất nhiên là từ nhiều năm trước, không phải các đồng chí đương chức hiện nay.

Nguyên tắc đã làm trái pháp luật thì phải khắc phục, sửa sai. Luật pháp không cho phép chúng ta hợp thức hóa cái sai. Không ai có quyền quyết định trái pháp luật, không ai có thể nói vì vướng mà không thực thi pháp luật.

Tất nhiên, chúng ta phải bàn cách tháo gỡ phù hợp pháp luật, phù hợp với thực tiễn, khả thi, không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân” - Thủ tướng nói và cho biết sau khi nhận được văn bản của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, ông đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu giải quyết đề nghị của TP.

Theo Thủ tướng, ngày 20-7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, thống nhất cho Thanh tra Chính phủ cùng TP Đà Nẵng rà soát, phân loại từng trường hợp cụ thể về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các trường hợp miễn, giảm trái pháp luật gây thất thu cho ngân sách nhà nước, để có biện pháp giải quyết phù hợp đối với từng trường hợp.

“Thủ tướng sẽ nghe trực tiếp để quyết định về vấn đề này trên tinh thần quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân mua lại đất (người thứ cấp)” - Thủ tướng cho biết đồng thời yêu cầu Thanh tra Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng, các cơ quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên cung cấp thông tin cho đoàn ĐBQH biết kết quả xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới