Thủ tướng: Việt Nam đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng toả sáng, phát triển mạnh mẽ.

Tối 6-12, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ tư.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu và là quốc sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải. Ảnh: TTXVN.

Trong nỗ lực "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên", Việt Nam xác định rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ưu tiên nguồn lực và tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, đặc biệt quan trọng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật...

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác quốc tế và trong nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả hơn nữa để Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong đó, tập trung cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách với quan điểm "thể chế là đột phá của đột phá", phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, các quỹ đầu tư mạo hiểm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Qua đó, góp phần tạo động lực bứt phá, sớm hiện thực hoá, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

“Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng toả sáng, phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", Việt Nam luôn hoan nghênh, khuyến khích các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện thực hoá các ý tưởng, cơ hội, dự án đầu tư của mình tại Việt Nam"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, luôn là đối tác tin cậy, là người bạn đồng hành thuỷ chung và nỗ lực hết sức mình để đóng góp cho vai trò là một trong những "người truyền lửa" trong phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Tại Lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ tư, Giải thưởng đầu tiên - Dành cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển đã được trao cho nữ Tiến sĩ người Bangladesh Firdausi Qadri với công trình Đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển, hướng tới chấm dứt sự hoành hành của bệnh dịch tả trên toàn cầu.

Giải thưởng thứ 2: Giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ đã được trao cho Giáo sư Kristi Anseth - nhà khoa học đến từ Mỹ vì đã tạo ra những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh.

Công trình này không chỉ đặt nền móng cho các nghiên cứu nhằm duy trì và tái tạo mô mà còn được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực y học tái tạo.

Các nhà khoa học nhận giải thưởng. Ảnh: BTC.

Giải thưởng thứ 3: Giải thưởng Nhà khoa học Nghiên cứu Lĩnh vực mới được trao cho Giáo sư Zelig Eshhar (Israel), Giáo sư Carl H. June (Mỹ) và Giáo sư Michel Sadelain (Mỹ) với công trình phát triển liệu pháp tế bào CAR-T để điều trị ung thư và các bệnh khác.

Vì lý do sức khỏe, Giáo sư Zelig Eshhar không thể đến Việt Nam nhận Giải thưởng VinFuture. Bà Sharon Eshhar là con gái của Giáo sư Eshhar thay mặt bố nhận Giải Đặc biệt dành cho Nhà nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Giải đặc biệt lớn VINFUTURE GRAND PRIZE 2024 - Trị giá 3 triệu đô la Mỹ của VinFuture được trao cho năm nhà khoa học, bao gồm Giáo sư Yoshua Bengio (Canada), Giáo sư Geoffrey E. Hinton (Canada), Ông Jen-Hsun Huang (Mỹ), Giáo sư Yann LeCun (Mỹ) và Giáo sư Fei-Fei Li (Mỹ) vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của Học sâu (deep learning).

Nghiên cứu này đã mở ra một kỷ nguyên đột phá cho những đổi mới sáng tạo về công nghệ, nhờ đó máy móc có thể “học” từ lượng dữ liệu khổng lồ và đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc trong các tác vụ như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra quyết định.

Vì lý do sức khỏe cá nhân và gia đình, Giáo sư Geoffrey E. Hinton và Giáo sư Fei-Fei Li không thể đến Việt Nam để đón nhận vinh dự này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới