Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người truyền lửa và yêu mến thế hệ trẻ

(PLO)- Theo ông Phạm Chánh Trực và bà Quách Thu Nguyệt, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người truyền lửa và rất yêu mến thế hệ trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922- 23-11-2022), tại trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8 TP.HCM) đã diễn ra chương trình “Chuyện người trẻ” với chủ đề “Đồng chí Võ Văn Kiệt – người thắp lửa” vào sáng 21-11.

Chương trình có sự tham gia của ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư Thường trực Thành uỷ, Nguyên Bí thư Thành Đoàn, Chủ nhiệm CLB Truyền thông Thành Đoàn; bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV NXB Trẻ và anh Trịnh Gia Phát, Bí thư Đoàn trường THPT Võ Văn Kiệt cùng hơn 1700 học sinh của trường.

Ông Phạm Chánh Trực chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Ông Phạm Chánh Trực chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Phạm Chánh Trực khẳng định ông Võ Văn Kiệt là người truyền lửa nhiều năng lượng, khơi dậy nhiệt huyết tuổi trẻ. Một người cộng sản hết lòng vì dân, gần gũi và tận tuỵ lo cho dân như nguyện ước của Bác Hồ "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

"Trong những năm khó khăn, khủng hoảng kinh tế, chú Sáu Dân luôn đứng mũi chịu sào, trực tiếp lo chạy gạo cứu đói, lo 'xé rào bung ra', khôi phục sản xuất. Đồng thời trước tình hình thất nghiệp của thanh niên vào thời điểm đó chú đã chỉ đạo cho Thành đoàn tổ chức lực lượng thanh niên xung phong để đưa 1000 quân ra ngoại thành các tỉnh thành và Tây Nguyên để sản xuất, khôi phục kinh tế" – ông Phạm Chánh Trực chia sẻ.

Tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại trường THPT mang tên ông. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại trường THPT mang tên ông. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Một con người của đại đoàn kết dân tộc, quan tâm mọi người, chăm lo thế hệ trẻ, thông cảm và mở đường chỉ lối cho những cuộc đời bất hạnh, những bạn trẻ "không chọn cửa sinh ra". Người xây nền móng cho hội nhập toàn cầu...

"Ông Kiệt thay đổi đường lối kinh tế kế hoạch chung qua đường lối đổi mới. Đặc điểm của đổi mới là vừa tuần hoàn kinh tế cùng hoạt động. Xoá bỏ ngăn sông cấm chợ lưu thông tự do và hợp tác với nước ngoài. Đó là những cống hiến cực kỳ xuất sắc của ông Võ Văn Kiệt" - ông Phạm Chánh Trực nhấn mạnh.

Bà Quách Thu Nguyệt nghẹn ngào chia sẻ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Bà Quách Thu Nguyệt nghẹn ngào chia sẻ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Với bà Quách Thu Nguyệt câu chuyện của ông Chánh Trực đã khơi lại cho bà ký ức với nhiều cảm xúc.

"Ngày 30-8-1975 , lúc bấy giờ tôi là sinh viên của ĐH Văn khoa Sài Gòn, chúng tôi đi theo triệu tập của Thành Đoàn mà đứng đầu là anh Năm Nghị (ông Phạm Chánh Trực- PV). Khi đó chú Sáu Dân mới kể cho tôi nghe câu chuyện này chú chỉ đạo cho Thành Đoàn, lúc bấy giờ đất hoang hoá rất nhiều. Lúc bấy giờ chúng tôi đến nông trường Lê Minh Xuân để đào kênh trồng thơm. Thì phải nói cảm xúc của thế hệ thứ 4 chúng tôi bắt đầu từ đó" – bà nhớ lại.

Bà Nguyệt cũng cho biết, đến 27-6-1976 ra quân đội hình Thanh niên xung phong thì lớp bạn bè của mình vẫn tiếp tục trụ lại. Riêng bà và một số bạn bè trở lại trường ĐH Văn khoa Sài Gòn.

"Nói câu chuyện này để thấy cảm xúc của thế hệ chúng tôi mỗi khi nhắc đến đều là những ký ức ngọt ngào nhất. Đến bây giờ tôi gần bước đến cái tuổi ‘Thất thập cổ lai hy’ rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi thế hệ chúng tôi có một lớp lãnh đạo như chú Sáu Dân"- bà nói.

Bà Nguyệt tiếp: "Chú yêu thế hệ trẻ lắm. Chú yêu thế hệ trẻ không phải là vì nhiệm vụ của một người lãnh đạo thành phố mà chú yêu là vì chú nhìn thấy tương lai của đất nước. Câu nói 'Thành phố soi thấy tương lai rất sáng trong vầng trán của các em' hay câu nói 'Không ai chọn cửa mà sinh ra' chính là cái tâm, cái tình của chú Sáu đối với thế hệ trẻ. Không thể nào mà có sự bất bình đẳng trong sự đối xử với lớp trẻ tương lai của đất nước như khi hoà bình lặp lại. Và chính vì những điều đó đã tạo nên sức hút của chú Sáu Dân là tạo ra thế hệ trẻ như chúng tôi” – bà Nguyệt tâm sự.

Bên cạnh đó, bà Quách Thu Nguyệt cũng tiết lộ “bà đỡ” cho NXB Trẻ chính là ông Võ Văn Kiệt.

Đồng thời, bà Nguyệt cũng tiết lộ cho các em học sinh tên gọi 'Sáu Dân' của ông Võ Văn Kiệt. "'Sáu" tức là thứ của người chị thứ năm mà chú yêu quý nhất. Còn về 'Dân' là chú muốn suốt cuộc đời mình phục vụ, gắn bó với dân, hiểu và đồng cam cộng khổ với dân để làm gì cho dân nên bí danh của chú là 'Sáu Dân'"- bà Nguyệt cho hay.

Bà Trần Thu Hà, phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội thành phố tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Bà Trần Thu Hà, phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội thành phố tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Trước những chia sẻ của ông Phạm Chánh Trực và bà Quách Thu Nguyệt, trong vai trò là một bí thư Đoàn trường, bạn Trịnh Gia Phát cảm thấy tự hào khi được Thành đoàn chọn để đại diện cho hơn 1700 học sinh của trường để bày tỏ niềm hạnh phúc của bản thân khi được học tập tại ngôi trường mang tên Võ Văn Kiệt.

"Khi nhắc đến bác Sáu Dân thì mọi người sẽ tìm được tư liệu thông qua nhiều kênh. Nhưng khi nhắc về bác, em tìm tòi và tiếp cận được những câu chuyện của bác thông qua cuốn sách “Đồng chí Võ Văn Kiệt- người thắp lửa”. Thì trong cuốn sách này, em ấn tượng câu nói rất hay của Bác là “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng trong vầng trán của các em”. Qua đó, em rút ra bài học là chúng ta phải cùng nhau cố gắng vì sự phát triển của một tương lai đang đặt vào chính bản thân của chúng ta" - Gia Phát chia sẻ.

Trong dịp này, trường THPT Võ Văn Kiệt cũng đã tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời của Cố Thủ tướng.

Chia sẻ với PLO, ông Phạm Quang Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt tâm sự: Cách đây khoảng hai tháng trường đã có kế hoạch kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt. Trong kế hoạch này có rất nhiều hoạt động về trường nói về bác Sáu Dân như hội thi trang trí lớp học, hội thi làm poster, sưu tầm những câu chuyện nói về bác Sáu Dân.

Về phần chi bộ thì tuyên truyền rất nhiều bằng cách tổ chức cho một số thầy cô là cán bộ giáo viên chuyên viên chủ chốt của trường về Vĩnh Long để về nguồn thăm quê hương của cố Thủ tướng và giao lưu với 5 trường cấp III mang tên Võ Văn Kiệt ở 5 tỉnh thành từ ngày 12-11.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm