Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra máy bay bị chiếu tia laser

Đồng thời chỉ đạo công an các địa phương triển khai các biện pháp nắm tình hình, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an, GTVT, Quốc phòng và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa... chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị của ngành hàng không như cảng vụ hàng không, cảng hàng không, đài kiểm soát không lưu chủ động phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn, không để vụ việc tái diễn.

Bên cạnh đó, xác định các khu vực trọng điểm liên quan trục đường cất hạ cánh của tàu bay để có kế hoạch tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sử dụng đèn chiếu laser vào tàu bay uy hiếp an toàn hoạt động bay.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra máy bay bị chiếu tia laser

Việc chiếu tia laser gần khu vực cảng hàng không, sân bay sẽ gây uy hiếp an toàn hoạt động của tàu bay. Ảnh: Internet

Trước đó, theo báo cáo của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, từ tháng 2-2016 đến nay đã có ít nhất sáu vụ chiếu tia laser vào tàu bay.

Ông Nguyễn Đắc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, cho biết việc chiếu tia laser vào tàu bay khi đang cất hoặc hạ cánh như các vụ việc nêu trên tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời tàu bay. Đặc biệt, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không dân dụng, vi phạm các quy định của quốc tế và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

Theo nhận định ban đầu của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, việc chiếu tia laser có thể là do sự bất cẩn của người tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật gần sân bay hoặc do những thanh niên “nghịch”, cố tình mua các thiết bị này và chiếu lên máy bay nhưng ảnh hưởng đến an toàn bay nghiêm trọng. Do đó, các lực lượng chức năng phải kiểm tra nhằm không phát triển và tái diễn để các đối tượng không sử dụng laser vì mục đích gì khác, kể cả là trò đùa. 

 

Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo các quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay về bức xạ laser và an toàn bay, quy định vùng bảo vệ cho hoạt động bay với chỉ số các mức phát xạ tối đa của các chùm laser nhìn được 50 nW/cm2 với bán kính tính xung quanh sân bay là 18.500 m và độ cao là 600 m.

Tại Việt Nam, tia laser được coi như một loại công cụ hỗ trợ và được quản lý, sử dụng theo quy định của Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Mục a khoản 9 điều 3 của Pháp lệnh đã quy định rõ, công cụ hỗ trợ gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này”.

Khoản 4 Điều 4 quy định: “Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm