Ngày 19-9, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tài sản giữa ông Mạch Phú Cường và Công ty cổ phần xây dựng Thành phố Cần Thơ (sau đây gọi tắt là TPCT) do có đơn kháng cáo của ông Cường.
Theo đơn khởi kiện và bản tự khai của ông Cường, vào năm 2016, khoảng cuối năm 2004, công ty TPCT cho san lấp rạch Bà Rựa nhằm xây dựng khu dân cư.
Do không còn nguồn nước thiên nhiên (dẫn từ rạch Bà Rựa) nên ông không thể canh tác một năm ba vụ lúa được nữa. Ông phải tạm ly nông để chờ công ty bồi thường nhưng công ty thỏa thuận giá đất rẻ nên ông không đồng ý bán.
Cuối năm 2015, ông quay lại trồng cây trên đất của mình, ông mua cây hết 40 triệu nhưng do không có nước tưới tiêu nên cây chết 90%. Ông cũng muốn mua điện, nước (sinh hoạt) để tạm tưới cây nhưng công ty không giải quyết làm cây chết.
Ông Cường cũng trình bày là tìm được quyết định của UBND TP Cần Thơ, trong đó không có nội dung nào cho phép công ty TPCT san lấp rạch. Do đó, ông yêu cầu công ty phục hồi lại nguồn nước tưới tiêu, cho ông mua điện, nước sinh hoạt đối với thửa đất liền kề và bồi thường thiệt các khoản do không trồng được lúa và tiền mua cây trồng là 251,8 triệu.
Phía bị đơn trình bày, theo quy hoạch chi tiết 1/500 của UBND TP Cần Thơ phê duyệt không có phần hệ thống nước tưới tiêu, riêng hệ thống mương rãnh thoát nước là đất công do nhà nước quản lý.
Năm 2005, phía công ty đã trả tiền cho nhà nước phần đất công, bao gồm cả rạch Bà Rựa chạy qua dự án theo thông báo của UBND TP.
Đối với phần đất của ông Cường đã có quyết định thu hồi đất của UBND quận Cái Răng, công ty đã tổ chức thương lượng tám lần, giá bồi hoàn gấp 10 lần giá phê duyệt nhưng ông Cường vẫn không đồng ý. Do đất đã thu hồi nên không có cơ sở cấp điện, nước theo quy định. Còn thiệt hại về cây trồng mà ông Cường nêu ra không do lỗi của công ty nên công ty không bồi thường.
Xử sơ thẩm vào tháng 3-2017, TAND quận Cái Răng nhận định, ông Cường cho rằng mỗi năm trồng lúa 3 vụ. Từ năm 2005, rạch Bà Rựa bị san lấp đến năm 2016 là 11 năm, tức là 33 vụ lúa, thiệt hại 198 triệu nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Qua xác minh từ người dân sống lân cận thì yêu cầu này không có cơ sở.
Về cây trồng bị chết, ông Cường yêu cầu bồi thường 53,8 triệu, trong đó có chứng từ mua cây kiểng là 38 triệu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, chỉ phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi có lỗi. Trong khi đó, căn cứ quyết định của UBND TP Cần Thơ về việc thu hồi và giao đất cho công ty TPCT đầu tư xây dựng khu dân cư, quy hoạch chi tiết 1/500 thì chủ đầu tư được phép san lấp rạch Bà Rựa đoạn đi qua dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư. Công ty TPCT đã nộp tiền sử dụng đất phần lấp rạch cho nhà nước. Hiện nay rạch Bà Rựa không còn phục vụ sản xuất nông nghiệp nữa mà thuộc đất khu dân cư. Do vậy, bị đơn không có lỗi. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở.
Từ đó, TAND quận Cái Răng đã bác toàn bộ yêu cầu của ông Cường trong vụ án này, do ông Cường bị bác yêu cầu đòi bồi thường nên phải đóng án phí hơn 12 triệu. Sau đó, ông Cường kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại tòa phúc thẩm, ngoài yêu cầu như trên, ông Cường yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất của UBND quận Cái Răng vì cho rằng quyết định này nói thu hồi đất của ông nhưng lại nêu sai về diện tích, tên thửa, tên tờ bản đồ đều không giống với mảnh đất của ông.
Tòa phúc thẩm cho rằng yêu cầu hủy quyết định nêu trên ở cấp sơ thẩm ông Cường không yêu cầu mà có kháng cáo yêu cầu phúc thẩm hủy là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Về yêu cầu bồi thường, ông Cường không nêu được chứng cứ nào khác nên không có căn cứ chấp nhận.
Từ đó, tòa phúc thẩm bác kháng cáo của ông Cường bác toàn bộ yêu cầu của ông Cường đòi công ty TPCT bồi thường 251,8 triệu. Ông Cường phải đóng án phí dân sự theo giá ngạch là hơn 12 triệu.