Sử dụng nước sai mục đích
Theo đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức, ngày 25-2-2010, ông H. có phiếu yêu cầu công ty gắn đồng hồ nước tại một địa chỉ trên đường Dương Đình Hội (quận 9) để sử dụng cho sinh hoạt tư gia. Khoảng một tháng sau, công ty và ông H. có ký hợp đồng cung cấp nước.
Khối lượng nước sử dụng trong tháng đầu tiên sau khi lắp đặt đồng hồ của nhà ông H. chỉ có 22 m3. Nhưng trong các tháng tiếp theo, khối lượng nước sử dụng rất lớn (tháng thấp nhất là 202 m3, tháng cao nhất lên đến 929 m3). Số lượng sử dụng trong các năm từ 2010 đến 2014 cũng rất lớn (ông H. đã đóng đầy đủ tiền nước theo giá nước sinh hoạt không định mức).
Qua tìm hiểu, công ty cấp nước biết ông H. có thành lập Công ty Cổ phần Đ. tại địa chỉ này, đăng ký lần đầu vào tháng 3-2010, kinh doanh một số ngành nghề, trong đó có sản xuất nước tinh khiết đóng chai. Đầu tháng 2-2014, ông H. xin thay đổi đối tượng sử dụng nước từ ông sang Công ty Đ. Tháng 3-2014, qua kiểm tra, công ty cấp nước phát hiện ông H. cho Công ty Đ. sử dụng nước được cung cấp vào bồn nối 500 lít, sau đó dùng máy bơm dẫn lên bồn cao (hai cái với dung tích 1.000 lít/cái) để đưa vào hệ thống lọc cho ra nước tinh khiết.
Công ty cấp nước cho rằng ông H. đã tự ý thay đổi đối tượng sử dụng nước từ hộ gia đình sang đơn vị kinh doanh dịch vụ mà không đăng ký. Vì vậy, công ty yêu cầu TAND quận 9 buộc ông H. phải trả cho công ty tổng cộng gần 145 triệu đồng tiền nước sử dụng sai mục đích từ đó đến nay.
Ông H. không đồng ý, bảo rằng vào năm 2010, ông cho Công ty Đ. mượn địa chỉ và thành lập văn phòng nhưng người làm việc khi có khi không. Ông sử dụng hai nguồn nước với hai hệ thống đường ống riêng biệt. Nguồn nước máy do gia đình ông sử dụng cho sinh hoạt. Nguồn nước giếng do Công ty Đ. khai thác, sử dụng. Để tách bạch rõ ràng việc sử dụng nước, năm 2012 Công ty Đ. có làm hồ sơ xin cấp đồng hồ nước nhưng bị công ty cấp nước từ chối với lý do là “địa chỉ trên đã có đồng hồ nước” dù Công ty Đ. sẵn sàng chịu trách nhiệm trả mọi chi phí lắp đặt cho việc gắn đồng hồ mới.
Sau đó, do Công ty Đ. gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh bằng nước giếng khoan nên tháng 9-2013, ông H. đã đồng ý bằng văn bản cho Công ty Đ. sử dụng nước chung với đồng hồ nước gia đình ông. Việc sử dụng nước và các hoạt động khác tại địa chỉ này là công khai, ông H. có đóng tiền nước hằng tháng đầy đủ. Ông H. còn cho rằng ống nước nhà ông bị nứt bể, đến khi đấu nối cho Công ty Đ. sử dụng chung mới phát hiện ra...
Hai cấp tòa: Bị đơn có lỗi
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND quận 9, ông H. vắng mặt, còn công ty cấp nước nhận thấy cũng có một phần trách nhiệm nên chỉ yêu cầu ông H. phải trả hơn 96,5 triệu đồng. TAND quận 9 đã chấp nhận yêu cầu của công ty cấp nước.
Sau đó, ông H. kháng cáo. Đến phiên phúc thẩm của TAND TP.HCM, đến lượt phía công ty cấp nước xin vắng mặt.
Theo HĐXX phúc thẩm, đối tượng sử dụng nước tại địa chỉ trên đã thay đổi sang Công ty Đ. nhưng ông H. không đi đăng ký thay đổi là vi phạm thỏa thuận đã ký trong hợp đồng với công ty cấp nước. Về việc ông H. cho rằng công ty cấp nước có trách nhiệm phải kiểm tra, báo cho khách nếu số lượng nước tiêu thụ hằng tháng lớn hơn các hộ khác, cũng như cấp sơ thẩm, HĐXX cho rằng đây là quyền lợi thiết thực của ông H. nên trách nhiệm kiểm tra trước hết thuộc về ông.
Cạnh đó, việc ông H. tự ý cho Công ty Đ. sử dụng nước khi chưa có sự đồng ý của công ty cấp nước là đã sử dụng nước sai mục đích, vi phạm hợp đồng mà đôi bên đã ký. Do đó, ông có trách nhiệm bồi thường phần chênh lệch giữa tiền nước phục vụ sinh hoạt và tiền nước phục vụ kinh doanh theo yêu cầu của công ty cấp nước. Ông có trình bày là xin cấp đồng hồ nước cho Công ty Đ. nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, căn cứ theo lượng nước, kết quả xác minh cũng như quá trình hoạt động của Công ty Đ. thì ông đã cho công ty này sử dụng chung nguồn nước trước khi xin phép là vi phạm hợp đồng với công ty cấp nước.
Từ các phân tích trên, HĐXX phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông H., giữ nguyên bản án sơ thẩm.