Thừa phát lại ngại đi… bắt ghen

Một bà cụ đã hơn 60 tuổi bị bệnh, đi cầu thang không nổi, lọ mọ đến Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh. Được người của văn phòng dìu lên lầu, cụ nói ngay: “Tôi muốn nhờ lập vi bằng việc ông chồng hơn 70 tuổi của tôi đang ngoại tình. Tôi ức quá, muốn lập vi bằng để có chứng cứ ra tòa ly hôn…”.

Lụm cụm vẫn đi tìm “tình địch”

Đây không phải lần đầu tiên Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh được khách hàng yêu cầu lập vi bằng về việc ngoại tình nhưng văn phòng đều từ chối yêu cầu này.

Ông Nguyễn Năng Quang, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình, cho biết: Mới đây có người chồng muốn nhờ ông lập vi bằng về việc bắt quả tang vợ mình ngoại tình. Người chồng (vốn là một cán bộ phường) nói chỉ cần thừa phát lại có văn bản xác định rõ: Ngày đó tháng đó, bà vợ kia có mặt tại nhà nghỉ X. Tuy nhiên, ông Quang từ chối.

Tại sao thừa phát lại từ chối? Theo ông Quang, nếu làm không khéo thì việc bắt ghen sẽ giống như một hình thức theo dõi, xâm phạm đời tư của người khác. “Làm sao tôi dám chắc người phụ nữ đó có đúng là vợ của khách hàng. mà nếu đúng đi nữa, chắc gì bà ấy vào nhà nghỉ để… ngoại tình. Bà ấy có quyền tự do cư trú, đi lại kia mà!” - ông Quang giải thích.

Thừa phát lại ngại đi… bắt ghen ảnh 1

Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp (Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh) nói: “Muốn lập vi bằng cho trường hợp bà cụ nói trên không khó. Bà cụ đã cung cấp địa chỉ mà ông chồng thường lui tới vào ban đêm. Chỉ cần nửa khuya, chúng tôi kết hợp với cảnh sát khu vực đến kiểm tra hộ khẩu là có thể lập vi bằng về việc chồng của cụ đang ở nhà của người khác. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác. Tuy nhiên, điều này khá nhạy cảm, nếu thừa phát lại nhận làm thì chẳng khác nào đi bắt ghen giùm, đi rình rập người khác. Khi người vợ (đi theo thừa phát lại) bắt quả tang chồng mình đang ở cùng nhà với người đàn bà khác, chắc gì bà ấy giữ được bình tĩnh. Nếu người vợ nổi máu ghen và làm ầm ĩ ngay lúc đó thì hình ảnh của thừa phát lại trong mắt người dân cũng bị ảnh hưởng xấu” - ông Pháp nói.

Từ chối vì chưa ai làm?

Do “đặc thù” của việc lập chứng cứ ngoại tình, nếu muốn đi lập vi bằng thì thừa phát lại phải “đi hôm về khuya”. Khi đi, thừa phát lại cần có thư ký nghiệp vụ, cảnh sát khu vực, có thể cần thêm người làm chứng. Có thừa phát lại còn cho biết: “Nói thật, do chưa ai làm nên chúng tôi không dám nhận làm. Để coi… có văn phòng thừa phát lại nào lập vi bằng về việc này không, chúng tôi sẽ tham khảo rồi tính”.

Thật ra, việc thừa phát lại lập vi bằng chuyện ngoại tình đâu phải không làm được và không đến mức phải ngại như vậy. Trong buổi họp báo ra mắt năm văn phòng thừa phát lại tại TP.HCM vào tháng 5-2010, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính từng hướng dẫn: “Thừa phát lại không được phép xông vô một căn phòng nào đó rồi lập vi bằng nêu anh A, chị B đang “tình tang” với nhau. Tuy nhiên, thừa phát lại có thể lập vi bằng ghi nhận một cách khách quan rằng sáng ngày hôm ấy, có việc anh A và chị B cùng vô trong khách sạn, rồi ở trong khách sạn đó đến buổi chiều mới ra về. Việc đánh giá, xem xét nội dung vi bằng trên sẽ do tòa án thực hiện”. Cách khác, thừa phát lại không có quyền quy kết một người có ngoại tình hay không mà chỉ lập vi bằng ghi nhận lại những gì mà chính thừa phát lại chứng kiến.

Tuy nhiên, các thừa phát lại vẫn có vẻ e ngại. “Chính mắt tôi có thấy ông A mời chị B vào khách sạn đi chăng nữa thì cũng chưa chắc họ vào đó để ngoại tình. Nhiều khi họ chỉ gặp gỡ bàn công việc, xong rồi về ngay. Bản thân tôi đi công tác ở các tỉnh xa cũng phải nhiều lần hẹn gặp đối tác ở các khách sạn. Biết đâu có người muốn nhờ thừa phát lại lập vi bằng rồi dùng nó để chơi xấu ông A” - ông Đoàn Tiến Hưng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 1, thận trọng.

Theo thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp, ông từ chối lập vi bằng về việc ngoại tình để làm căn cứ cho ly hôn vì theo ông là không cần thiết bởi Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định: Nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án quyết định cho ly hôn. “Như vậy, nếu muốn ly hôn thì có nhiều giải pháp êm thấm, đâu cần thiết phải lập vi bằng rồi làm cho ầm ĩ. Tòa án cũng đâu có đòi hỏi phải chứng minh rằng người chồng ngoại tình thì vợ mới được ly hôn” - ông Pháp nói.

Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM:

Chưa có vi bằng nào về việc ngoại tình

Theo quy định, sau khi lập vi bằng thì các văn phòng thừa phát lại phải gửi một bản đến Sở Tư pháp TP.HCM để đăng ký. Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được vi bằng nào về việc ngoại tình hay về vấn đề khác liên quan đến đời tư của một cá nhân. Nghị định 61/2009 của Chính phủ hiện quy định rất rộng về phạm vi lập vi bằng. Hiện Bộ Tư pháp đang xúc tiến để sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về phạm vi lập vi bằng, những việc thừa phát lại được lập vi bằng và những việc không được lập.

ÁI PHƯƠNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm