Sáng 23-10, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP Huế).
Theo đó, ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 9 và tháng 10, đặc biệt các đợt mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, nước dâng trong các ngày 19 đến 21-10 gây sạt lở đoạn bờ biển dài khoảng 1.000m, ăn sâu vào đất liền từ 70m-100m.
Đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An gây phá hỏng vỉa hè, đổ ngã cây dương ven đường nội bộ khu vực bãi tắm.
Phạm vi sạt lở đang tiếp tục phát triển nhanh, mở rộng chiều dài và ăn sâu vào đất liền, đe dọa cuốn trôi tuyến đường nội bộ bãi tắm và có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng các cơ sở kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, UBND TP Huế khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.
Huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để thực hiện xử lý ngay từ giờ đầu, hạn chế tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho du khách và nhân dân.
Đồng thời, tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân qua lại đảm bảo an toàn trong khu vực...
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, khẩn trương lập phương án xử lý khẩn cấp phòng chống sạt lở bờ biển, huy động vật tư, phương tiện của đơn vị thi công có năng lực để phối hợp xử lý khẩn cấp theo phương án thống nhất.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT thẩm định, thống nhất phương án để xử lý khẩn cấp phòng chống sạt lở bờ biển. Nghiên cứu lập dự án xử lý tổng thể chống sạt lở, xói lở để bảo vệ bờ biển ổn định lâu dài, đảm bảo mỹ quan và khai thác giá trị của bãi biển bền vững, phục vụ dân sinh, phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế địa phương...
Như PLO đã đưa tin, vị trí sạt lở này cũng từng là "điểm nóng" trong trận lũ lịch sử năm 1999. Khi đó, nước lũ dâng cao làm vỡ phá Tam Giang mở ra cửa biển Hòa Duân, cuốn trôi nhiều người dân cùng nhà cửa ra biển. Sau đó, đến năm 2001 thì cửa biển này được đắp lại.
Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết qua theo dõi tình hình sạt lở nhiều năm, địa phương nhận thấy tình trạng sạt lở này là hiện tượng bất thường. Vì từ 23 năm nay (khi cửa Hoà Duân được hàn gắn) chưa khi nào địa điểm này bị sạt lở nghiêm trọng như vậy.