Năm 2009, anh NHL (ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) và chị NTDT (ngụ huyện Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu) kết hôn. Sau đó, hai người về Cái Bè sinh sống và có với nhau một con chung.
Xin tòa giải quyết vắng mặt vì ở xa
Năm 2016, vợ chồng họ sống ly thân do thường xuyên xảy ra cãi vã. Chị T. trở về Côn Đảo sống. Gia đình hai bên đã cố gắng hàn gắn anh chị nhiều lần nhưng không được.
Đầu năm 2018, cả hai người cùng đứng đơn và nộp đơn yêu cầu TAND huyện Cái Bè giải quyết việc hôn nhân gia đình là công nhận thuận tình ly hôn giữa hai người. Ngoài ra, nội dung đơn cũng có thỏa thuận về việc nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung và nghĩa vụ nộp tiền lệ phí theo quy định của pháp luật. Về nợ chung, anh chị cho biết không có nên không yêu cầu tòa giải quyết.
Tuy nhiên, do chị T. ở xa (Côn Đảo) nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi cùng anh L. ra tòa nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, chị T. cũng nộp đơn yêu cầu tòa giải quyết vắng mặt chị cùng tờ tự khai. Chị xin bảo lưu mọi ý kiến theo ý kiến của chị trong nội dung đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và trong tờ tự khai.
Luật buộc phải hòa giải đoàn tụ
Tình huống này đã làm cho tòa lúng túng, chưa biết giải quyết đơn yêu cầu của chị T. như thế nào để đảm bảo đúng pháp luật.
Cụ thể, Điều 397 BLTTDS 2015 quy định thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng…, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 bộ luật này khi có đầy đủ một số điều kiện.
Như vậy, theo đúng các quy định trên thì tòa phải tổ chức hòa giải đoàn tụ. Sau khi hòa giải đoàn tụ không thành thì mới xem xét công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định. Mà muốn hòa giải đoàn tụ thì phải có mặt cả hai bên đương sự. Ở đây, rõ ràng tòa sẽ không thể tiến hành tổ chức hòa giải đoàn tụ được vì một bên yêu cầu xin vắng mặt và chỉ có bên còn lại tham gia phiên hòa giải.
Có thể linh hoạt giải quyết?
Bàn về mặt pháp lý của tình huống trên, trong nội bộ ngành tòa án địa phương cũng có quan điểm cho rằng TAND huyện Cái Bè vẫn có thể linh hoạt giải quyết đơn của chị T. theo hướng triệu tập anh L. đến làm việc.
Nếu anh L. không đồng ý ly hôn nữa thì tòa căn cứ vào khoản 5 Điều 397 BLTTDS 2015 để chuyển thành vụ án xin ly hôn. Theo đó, nguyên đơn là chị T., bị đơn là anh L. và trình tự giải quyết vụ án nêu trên được tiến hành theo thủ tục chung.
Nếu anh L. vẫn đồng ý thuận tình ly hôn thì tòa có thể lập biên bản ghi nhận thuận tình ly hôn và hòa giải thành để ghi nhận ý kiến của anh L. (tại buổi làm việc) và ghi nhận ý kiến của chị T. (theo nội dung đơn yêu cầu thuận tình ly hôn và tờ tự khai). Sau đó, tòa gửi biên bản đó cho chị T. Khi chị T. nhận được biên bản đó quá thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận biên bản mà chị không thay đổi ý kiến thì tòa căn cứ vào biên bản đó và thời điểm chị T. nhận biên bản để ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.
Những người theo quan điểm này cho rằng một trong những nguyên tắc có tính cốt lõi trong giải quyết các vụ việc dân sự là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong trường hợp nêu trên, xét về mặt ý chí thì chị T. quyết tâm ly hôn chứ không muốn đoàn tụ, bằng chứng là thông qua đơn yêu cầu, tờ tự khai và đơn xin giải quyết vắng mặt của chị.
Tuy nhiên, phần đông ý kiến vẫn cho rằng luật đã đặt ra thủ tục hòa giải đoàn tụ là nhằm cho các bên đương sự có cơ hội nhìn lại, quay về chung sống với nhau. Chỉ khi nào hôn nhân của các đương sự thật sự không thể cứu vãn được nữa thì tòa mới giải quyết cho ly hôn. Trong thực tiễn, nhiều trường hợp ban đầu mâu thuẫn nặng nề, quyết tâm chia tay nhưng sau khi thẩm phán tổ chức hòa giải và khuyên nhủ thì các đương sự đã nghĩ lại và rút đơn.
Do đó, trước hết TAND huyện Cái Bè phải làm đúng quy định, nghĩa là không chấp nhận giải quyết vắng mặt chị T. Còn nếu muốn linh hoạt giải quyết vắng mặt thì cho dù chị T. có cam kết như thế nào cũng phải chờ có ý kiến hướng dẫn chính thức của TAND Tối cao.
Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn… 1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. 2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. 3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ. 4. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con. … (Trích Điều 397 BLTTDS 2015) |