Ông Nguyễn Văn Kích (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) buồn bã nói: “Tôi bị dồn vô chân tường rồi. Nhiều năm qua tôi luôn ở thế bí vì đất nằm ở bên trong, thiệt khổ hết sức. Tôi đã nhờ nhiều ban ngành, chính quyền giải quyết giùm mà chưa được”.
Con đường duy nhất
Ông Kích cho biết ông mua rẫy năm 1990 để trồng cao su. Rẫy của ông nằm phía trong đất của ông PVTh (ngụ thị trấn Tân Biên). Thời gian đầu, hai bên chưa có xích mích gì, việc đi lại không gặp khó khăn. Đi vô rẫy ông Kích phải ngang qua rẫy ông Th. Bao quanh khu rẫy lúc đó là rừng. Kiểm lâm, người làm rẫy đều đi qua con đường độc đạo đó.
Năm 2001, ông Kích nâng cấp đường để xe chở nông sản ra vào cho dễ. Từ đây giữa hai bên xảy ra vài điều không hài lòng về nhau nhưng không bên nào nói ra. Sau đó ông Th. không cho ông Kích dùng chung con đường này nữa.
Ông Kích rơi vào thế kẹt, đến kỳ thu hoạch mủ cao su, xe lớn không được cho vô. Ông đành lấy xe máy chở từng thùng mủ ra ngoài. Ông có hơn 20 mẫu rẫy nên thu hoạch kiểu chở từng thùng mủ ra ngoài rất trần ai. Ông Kích cho biết ông đến thương lượng xin mua lại con đường với giá cao nhưng ông Th. không bán. Ông Kích năn nỉ xin đổi con đường với diện tích đất gấp đôi, ông Th. cũng không đổi. Ông Kích nhờ chính quyền xã và huyện giúp mở đường vô rẫy, hòa giải mấy lần không thành.
Ông Kích cho biết ông Th. tuyên bố không cần tiền, chỉ muốn làm khó ông. Năm 2014, ông Kích chặt bỏ cao su, chuyển qua trồng mì. Lúc này ông Th. cho đào mương xung quanh diện tích đất giáp với ông Kích. Mương đào xong thì ông Kích không thể chạy qua con đường này được nữa, vì xe máy không thể nhảy qua mương để vào đất. Ông Kích muốn vô rẫy phải đi qua Nông trường cao su Xa Mát và len lỏi qua rẫy cao su của một người dân khác để đi nhờ.
Ông Kích bên đống mì đã thu hoạch của mình. Ảnh: HM
Phải mướn trực thăng bay vô chở nông sản?
Vì đi lại quá khó khăn, tháng 1-2015, ông Kích gửi đơn kiện tranh chấp quyền đi lại trên con đường cũ. Trong lúc chờ tòa xử lý, ông Kích quá nóng lòng sợ mì bị ứ lại phải bồi thường hợp đồng tiền tỉ nên ông đành đồng ý với điều kiện ông Th. đưa ra là muốn chở nông sản ra ngoài đường thì phải trả cho ông Th. 100 triệu đồng/10 ngày.
Sau buổi hòa giải nói trên, chúng tôi đến nhà ông Th. tìm hiểu nguyên nhân. Bà V., vợ ông Th., nói quan điểm của mình: “Giờ có người nào đó vì nghèo khổ mà xin vô nhà anh chị ở, anh chị cho không? Tôi không đồng ý, có gì cứ lên tòa xử”. Bà V. cũng cho rằng ông Kích “quá tệ, quá trùm sò” nên bà mới ép cho thuê đường để lấy tiền… ủng hộ nông thôn mới.
Trong buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh diễn ra vào ngày 6-4, ông Kích cũng đã nêu hoàn cảnh của mình và đặt câu hỏi: “Nếu bị cắt đường, người dân chúng tôi phải làm sao để tiếp tục sản xuất? Chúng tôi phải mướn trực thăng bay vô đất của mình hay còn cách nào khác không?”.
Ông Lâm Văn Be, Thẩm phán TAND huyện Tân Biên, cho biết: “Đường vô rẫy ông Kích không còn đường nào khác ngoài con đường này. Xung quanh đó người ta trồng cao su hết rồi. Chúng tôi đợi ông Kích thu hoạch mì xong thì mới tiếp tục giải quyết vụ này được”.
Nhà nước có quyền trưng dụng đất làm đường đi Theo Điều 275 BLDS, trường hợp này ông Kích có quyền khởi kiện ra tòa để giải quyết. Khi ra tòa, có hai phương án để giải quyết. Ông Kích và ông Th. có thể thương lượng, ông Th. bỏ một phần đất làm con đường cho ông Kích đi vào rẫy của mình, ông Kích sẽ trả tiền phần đất đó. Nếu không thương lượng được, tòa sẽ buộc ông Th. phải dành ra một phần đất làm con đường, thẩm định phần đất bao nhiêu tiền rồi ông Kích phải trả số tiền đó. Nhiều người dân không hiểu rằng đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước có quyền thu hồi, trưng thu, trưng dụng vào mục đích làm đường đi, đảm bảo đời sống dân sinh và bồi thường số tiền công khai phá, cải tạo đất. Luật sư NGUYỄN THẾ TÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh Điều 275 BLDS về quyền về lối đi qua bất động sản liền kề Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác… |