Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc người dân phản ứng mạnh trước chính quyền địa phương, nhằm gây sức ép, buộc địa phương lắng nghe, giải quyết bức xúc của họ. Thế nhưng việc người dân buộc phải lựa chọn biện pháp phản ứng tiêu cực, thậm chí là không phù hợp với pháp luật như vậy cũng để lại nhiều suy nghĩ, thể hiện qua những comment của bạn đọc gửi về PLO xung quanh những sự kiện này.
Người dân không được xoa dịu
Ý kiến bạn đọc gửi về cho PLO trước hết đều thể hiện sự cảm thông với hành động trên của người dân. Dù không ai cho rằng đây là hành động đúng, nhưng đều thấy được đó là “hậu quả” tất yếu của việc tức nước vỡ bờ.
Bạn đọc Bùi Anh Lânnói: “Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng vẫn im hơi lặng tiếng, cá tôm lại tiếp tục chết. Người dân phản ứng khi "ý dân bị xem nhẹ", tức nước vỡ bờ”.
Nhiều người cho rằng thiệt hại trước mắt của người dân là có thể thấy rõ, và nếu chính quyền quan tâm đúng mức tới quyền lợi, nguyện vọng của dân, thực sự lấy dân làm gốc thì đã không để sự việc bị đẩy tới mức đó.
Vị trí người dân chặn quốc lộ 1A đoạn trước UBND phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Đồ họa: PN
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ miếng cơm manh áo của người dân bị thiệt hại từ việc nạo vét luồng nước, mà cái chính là do địa phương đã không quan tâm giải quyết đúng mức kiến nghị của họ. Nhiều lần đề xuất có biện pháp khắc phục bất thành, nên “chặn xe phản kháng là chuyện tất yếu vì miếng cơm manh áo không ai bảo vệ”, bạn đọc Long nói rõ.
Rất nhiều ý kiến đồng tình cho rằng đây là cách làm duy nhất mà người dân nghĩ ra được để gây được sự chú ý của “các cấp trên”.
Độc giả Trần Đăng Ẩncho rằng: “Cũng giống như ở Bình Thuận, việc để các công ty nạo vét luồng lạch, gây ô nhiễm môi trường làm hải sản của bà con chết là trách nhiệm của chính quyền. Nếu bà con không phản ứng mạnh thì phải chăng chính quyền cũng làm ngơ...?”.
Bức xúc cá nhân, xâm hại lợi ích của nhiều người
Bên cạnh các ý kiến trên, không ít bạn đọc cho rằng người dân phản ứng theo cách này là hoàn toàn sai trái.
Độc giả Trần Thanh Tùngphân tích những thiệt hại khôn lường từ việc làm cảm tính này của người dân: “Người dân hiện nay kỳ quá. Mình bị thiệt hại thì chặn xe gây áp lực với chính quyền. Nhưng chặn xe gây thiệt hại cho người khác đang lưu thông trên QL1A thì họ có nghĩ tới quyền lợi của người dân khác hay không? Muốn chính quyền giải quyết quyền lợi của mình bằng cách xâm hại quyền lợi người khác là không tốt. Biết đâu lúc QL ách tắc có người đang được chuyển viện cấp cứu? Đừng hành động thiếu suy nghĩ như thế. Mình biết phản ứng để bảo vệ quyền lợi bằng cách xâm hại quyền lợi người khác là không thể chấp nhận được”.
Hàng trăm người hiếu kỳ cũng chen chân ra QL 1, càng khiến tình hình hỗn loạn
Ý kiến của bạn đọc Anh Bay nghiêm khắc hơn, bạn cho rằng người dân chặn xe để gây áp lực cho chính quyền địa phương khi tranh chấp là đáng lên án, bởi đã vi phạm vào điều 203 bộ luật hình sự. Bạn đọc này cũng đề nghị phải tìm ra người chủ mưu kích động, xử thật nặng hành vi cản trở giao thông.
Quả thật việc chặn xe, gây ùn tắc hàng chục km trong nhiều giờ đã gây thiệt hại không ít cho những người không liên quan trực tiếp đến vụ việc. Không khó hiểu khi có những ý kiến chê trách việc làm này của người dân. Một bạn đọc chia sẻ: “Việc chặn xe là hết sức manh động. Vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mong chính quyền các cấp khẩn trương dẹp ngay vấn nạn này. Tìm ra và xử lý thích đáng những kẻ kích động lôi kéo người khác vi phạm”.
Dân và chính quyền đều phải tính kế lâu dài
Trả lời câu hỏi làm sao để không còn tái diễn cảnh dân ra đường chặn xe để yêu sách chính quyền, độc giả Dục Vũ Đìnhnêu rõ:“Vận động dân giải tán chỉ là tạm thời, về lâu dài phải đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân thì tình hình mới ổn định”.
Người dân đổ cá, tôm chết ra đường quốc lộ
Không khó để thấy có "mối liên hệ" giữa vụ chặn xe ở Cam Ranh với vụ chặn xe ở Bình Thuận trước đó. Nếu không có những giải pháp căn cơ giải quyết những bức xúc của người dân từ gốc thì việc biểu thị bức xúc theo cách này sẽ trở thành một “phản xạ có điều kiện” của người dân với những hậu quả khôn lường. Họ làm to chuyện để gây được chú ý. Biểu hiện này đã thể hiện “kỷ cương, phép nước đã bị buông lỏng. Phía chính quyền mặc dù có đủ các ban bệ nhưng không hoàn thành tốt trách nhiệm phục vụ nhân dân của mình. Phía người dân thì kéo nhau ra Quốc lộ chặn xe, mặc người khác phải gánh chịu hậu quả” như độc giả Minh nói.
Do đó, những người nắm vị trí lãnh đạo địa phương phải có cách hành xử để có được sự đồng thuận của người dân. Muốn như vậy, chính quyền phải thể hiện rõ nhiệt tâm và mục tiêu vì quyền lợi người dân là trên hết. Làm như thế, dẫu chưa thể ngay một lúc giải quyết được vấn đề nhưng cũng sẽ trấn an được lòng dân. Bởi như bạn đọc Hoàng Ngọc Diệp chia sẻ:“Người dân biết rất rõ rằng ngăn chặn đường là nguy hiểm cho chính gia đình họ. Phải vô cùng bất đắc dĩ và tuyệt vọng họ mới làm. Đừng vô cảm với họ”.