Thuốc lá lậu bị 'bít cửa' trong dịch COVID-19

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam vừa khảo sát và làm việc với Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang, Đồng Tháp về công tác chống buôn lậu thuốc lá năm 2020-2021 và 3 tháng đầu năm 2022.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh An Giang cho biết, thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Tổng Cục QLTT vừa tập trung chống dịch nhưng không lơ là công tác chống buôn lậu, không để An Giang là "điểm nóng" về buôn lậu.

Do đó, hiện nay hoạt động buôn lậu qua biên giới lẫn nội địa giảm 80%, không còn ngang nhiên thách thức như trước đây. 

Đặc biệt, thuốc lá cũng là mặt hàng trọng điểm được kiểm soát chặt chẽ. Thống kê chưa đầy đủ từ tháng 1-2020 đến tháng 3-2022, QLTT phát hiện tạm giữ hơn 23.000 gói thuốc lá lậu, chủ yếu là Jet, Hero.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra kiểm soát vẫn còn khó khăn. Tuyến biên giới trước đây đối tượng buôn lậu đi thành đoàn nhưng nay đi nhỏ lẻ, đi giữa đêm khuya, canh coi đường chặt chẽ.

"Khoảng 5-10 mét có một người, nếu bị phát hiện chỉ bắt giữ số lượng ít 50-60 cây thuốc. Khi qua khỏi biên giới, thuốc lá lậu tập kết lên xe tải hàng hoặc cất giấu trong xe khách để đưa vào tiêu thụ nội địa” - ông Hồ nói.

Quản lý thị trường tỉnh An Giang kiểm tra phát hiện cửa hàng bán thuốc lá giả mạo nhãn hiệu. ẢNH: N.HỒ

Theo ông Hồ, ngoài thuốc lá lậu, QLTT đã xử lí một vụ kinh doanh thuốc lá giả mạo nhãn hiệu. Cụ thể, tháng 5-2021 QLTT kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bán thuốc lá điếu 555, loại 20 điếu/bao và thuốc lá điếu nhãn hiệu Craven (Classic Filter), loại 20 điếu/bao. Tổng cộng 14 bao, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, người bán không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc đồng thời khai nhận mua của tiếp thị lạ mặt mỗi loại 20 bao không có hóa đơn chứng từ.

"Hiện nay không chỉ lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới mà còn có lực lượng phòng chống dịch, chống người xuất nhập cảnh trái phép làm nhiệm vụ kép chống buôn lậu. Do đó, dự báo buôn lậu sẽ không phức tạp như trước đây" - ông Hồ nói.

Tương tự, ông Dương Đức Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp cho biết, buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra nhưng số vụ bắt giữ giảm 40%, số lượng thuốc lá bắt giữ tịch thu tăng 25%.

Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu chủ yếu là xé lẻ, vận chuyển bằng xe khách, ô tô, xe máy. Hàng hóa được cất giấu trong túi xách, cốp xe…

Tại các điểm bán, thuốc lá lậu thường cất giấu ở một điểm khác, khi có người mua mới lấy giao trực tiếp. Đây là khó khăn cho QLTT trong theo dõi kiểm tra xử lý.

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu rất cao. Tuy nhiên, cư dân khu vực biên giới chỉ làm thuê cho đối tượng buôn lậu, không có tài sản, nơi ở không cố định, nên khi có quyết định xử phạt khó thực hiện.

"Để công tác chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả, Cục QLTT kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lí vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu đồng bộ, tránh chồng chéo giữa các lực lượng…” - ông Đạt đề nghị.

Kiên Giang khởi tố 5 vụ buôn lậu
(PLO)- Trong quý 1-2022, Kiên Giang phát hiện 202 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó, đã khởi tố năm vụ, sáu đối tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới