Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại

Gần 100 hiện vật gốc quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại được trưng bày tại không gian Khải Tường Lâu (cung An Định, Huế), tái hiện sinh động cuộc sống của vị vua cuối cùng triều Nguyễn.

Một góc An Định cung

Cung An Định nơi gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã từng ở sẽ bắt đầu mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 20/1. Lần mở cửa này, không gian Khải Tường Lâu (Cung An Định) hướng đến hai chủ đề: "Nơi ở của bà Hoàng Thái Hậu và gia đình vua Bảo Đại trong giai đoạn 1945-1955" kết hợp với triển lãm ảnh với chủ đề "Một số hình ảnh về vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương".

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 2

Ảnh gia đình cựu hoàng Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương cùng các con

Gần 100 hiện vật gốc được trưng bày, tái hiện không gian sinh hoạt của vua Bảo Đại trong giai đoạn này. Do các hình ảnh, tài liệu về nội thất Khải Tường Lâu bị hạn chế nên việc trưng bày chỉ mang tính ước lệ, dựa trên nguồn hiện vật được chuyển đến từ nhà lưu niệm bà Từ Cung và dựa trên lời kể của một số nhân chứng từng là người hầu cận kề của gia đình nhà vua được sinh sống tại đây.

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 3

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (người đeo kính) giới thiệu những tư liệu quý về Bảo Đại

Triển lãm ảnh với chủ đề "Một số hình ảnh về vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương" là kết quả của sự hợp tác giữa Trung tâm BTDTCĐ Huế với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Phần triển lãm ảnh sẽ giới thiệu hơn 40 hình ảnh và gần 30 tài liệu, sách báo về vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 4

Nhiều tư liệu quý về gia đình cựu Hoàng Bảo Đại được giới thiệu tại cung An Định lần này

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 5

Du khách nước ngoài chăm chú tìm hiểu về gia đình cựu hoàng Bảo Đại qua tư liệu ảnh

Tiền thân của cung An Định là phủ An Định, một công trình kiến trúc bằng gỗ như bao nhiêu phủ đệ của các ông hoàng bà chúa khác dưới triều Nguyễn. Phủ An Định đã được xây dựng vào năm 1902, dùng làm nơi ăn ở riêng cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định) khi vừa "xuất phủ" năm lên 18 tuổi.

Phủ An Định tọa lạc ở bờ bắc sông An Cựu; nằm sát bên trái phủ thờ Kiên Thái Vương là người đã sinh ra 3 vua: Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi. Lúc đầu, khuôn viên phủ An Định còn nhỏ hẹp. Chính tại đây, ông hoàng Bửu Đảo và bà phủ thiếp Hoàng Thị Cúc (1890-1980) đã sinh ra người con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy vào năm 1913, về sau trở thành vua Bảo Đại (1926-1945).

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 6

Đồ dùng sinh hoạt hàng ngày thời vua Nguyễn trưng bày tại Khải Tường Lâu

Sau khi đăng quang và bắt đầu sống trong hoàng cung từ năm 1916, vua Khải Định nghĩ đến việc cải tạo phủ An Định, mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm một số công trình kiến trúc tại đây. Mục đích là tạo ra một cơ ngơi to lớn hơn để kỷ niệm nơi nhà vua đã sinh trưởng và để ban tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy làm của riêng truyền tử lưu tôn. Đến khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, cung An Định thường được sử dụng như một biệt cung, một tòa lâu đài hoa lệ để tổ chức những cuộc tiếp tân trọng thể trong một số dịp lễ khánh hỷ của triều đình với sự tham dự của hoàng gia, đình thần và các gia đình quan chức thuộc Chính phủ Bảo hộ Pháp.

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 7

Nội thất bên dưới Khải Tường Lâu rất đẹp

Ngay sau ngày lễ thoái vị của vua Bảo Đại (30-8-1945), toàn bộ gia đình nhà vua rời khỏi hoàng cung, qua ăn ở tại cung An Định trong một thời gian ngắn. Riêng bà Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) thì lưu trú tại đây cho đến năm 1949, khi cựu hoàng Bảo Đại trở về nước làm Quốc trưởng.

Năm 1975, bà Từ Cung tự nguyện hiến cơ sở này cho chính quyền cách mạng. Trong thời gian này, cung An Định được sử dụng làm địa điểm văn hóa công cộng, làm nơi kinh doanh các dịch vụ ăn uống và không được trùng tu, bảo dưỡng nên bị xuống cấp khá nghiêm trọng.

Nhìn chung, cung An Định là một tổng thể kiến trúc đã được thiết kế, xây dựng và trang trí theo một phong cách mới so với các biệt cung khác từng xuất hiện trước đó ở Kinh đô triều Nguyễn. Các phương diện kiến trúc, trang trí, điêu khắc, hội họa ở đây đều ghi lại một dấu ấn đậm nét của giai đoạn dung hội giữa Đông, Tây, kim, cổ trong lịch sử mỹ thuật Huế cũng như của Việt Nam.

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 8

Chiếc tủ quý có niên đại trên 150 năm của gia đình cựu hoàng Bảo Đại

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 9

Bộ sưu tập đồ dùng hàng ngày của Đức Từ Cung

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 10

Hoàng hậu Nam Phương với chiếc áo dài khăn đóng

Hơn nữa, cơ ngơi này cũng đã liên quan ít nhiều đến cuộc sống của vua Khải Định, vua Bảo Đại, bà Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái hậu), Nam Phương Hoàng hậu, Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long và một số thành viên khác trong gia đình hoàng tộc thuộc giai đoạn lịch sử cuối cùng của triều Nguyễn.

Thưởng lãm hiện vật quý hiếm về gia đình cựu hoàng Bảo Đại ảnh 11

Bộ sưu tập tem về vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương tại An Định cung

Cung An định mở cửa tham quan miễn phí đến hết ngày 30/3. Sau đó từ ngày 1/4 sẽ thu vé. Từ đây không gian Cung An Định (Khải Tường Lâu) sẽ chính thức mở cửa hàng ngày để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, học tập.

Theo THUẬN HÓA (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm