Trong thập kỷ vừa qua, xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc (chủ yếu là dầu lửa và khoáng sản) đã tăng hơn ba lần, từ 100 tỷ USD lên 330 tỷ USD vào cuối năm 2010.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi tăng từ 5% lên 17% để nhanh chóng đuổi kịp thị phần của các đối tác xuất khẩu truyền thống vào châu Phi như Mỹ và châu Âu.
Trong năm 2010, xuất khẩu của Angola vào Trung Quốc chiếm 31,3% GDP của Angola. Nhìn tổng thể, cán cân thương mại vẫn còn nghiêng về các nước châu Phi bởi tính trung bình các nước này xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ như trường hợp của Nigeria, Kenya hay Cameroon. Các nước này nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất. Thực tế này được giải thích bởi thế mạnh của Trung Quốc trong xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến: năm 2010, 60% nhập khẩu hàng dệt may của châu Phi đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, về lưu thông vốn, vai trò của Trung Quốc tại châu Phi hoàn toàn ngược lại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Phi vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3% tổng số FDI của châu lục này, cho dù chỉ trong 10 năm qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) đã cho châu Phi vay nhiều hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB).
Hơn nữa, FDI của Trung Quốc lại chỉ tập trung vào một số nước như Nam Phi, Nigeria, Zambia, Cộng hòa dân chủ Congo và Angola. Một số ngân hàng của Trung Quốc có vai trò đáng kể tại châu Phi, như Eximbank, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Các ngân hàng này tập trung chủ yếu vào các dự án cơ sở hạ tầng và ít coi trọng phát triển kinh tế tổng thể.
Theo Fitch, từ năm 2001-2010, Eximbank đã cho châu Phi vay 67,2 tỷ USD (chiếm 20% vốn của Eximbank) trong khi vốn của WB dành cho lục địa này chỉ là 54,7 tỷ USD. Các khoản tín dụng mà Eximbank cấp cho châu Phi có lãi suất cao hơn WB, song lại thấp hơn một số ngân hàng quốc tế khác và đặc biệt đi kèm với đó là các điều kiện vô cùng dễ chịu.
Theo Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)