Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Đối ngoại đa phương.
** Đối ngoại đa phương có những tác động như thế nào đối với lĩnh vực an ninh Quốc phòng thưa ông?
- Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội nghị về việc Việt Nam tham gia vào các cấu trúc hợp tác đa phương của khu vực và thế giới, do Bộ Ngoại giao chủ trì. Nhiều học giả, chính khách nổi tiếng thế giới được mời tham dự cho thấy độ mở trong chính sách đối ngoại của Việt Nam: Chúng ta công khai minh bạch, hoạch định chính sách có sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Về mặt quốc phòng, tác dụng của diễn đàn đa phương là phòng ngừa xung đột, chiến tranh.
Trước hội nghị này, chúng ta đã tham gia nhiều diễn đàn quốc tế. Thực tế cho thấy, tiếng nói của chúng ta có giá trị vì Việt Nam không chỉ quan tâm đến lợi ích quốc gia mình mà còn gắn với lợi ích quốc gia khác của khu vực và thế giới.
Sự kiện Biển Đông vừa qua là một ví dụ: những quan điểm của Việt Nam đưa ra tại các diễn đàn được hầu hết các nước ủng hộ. Không ai phản đối vì chúng ta cho cả thế giới thấy chính nghĩa của chúng ta gắn với lợi ích chung của cả khu vực trên cơ sở luật pháp mà quốc tế đã thừa nhận.
** Ông có phát biểu “Một quốc gia tự khu biệt, tự áp đặt ý chí của mình lên các vấn đề chung của thế giới thì thế giới sẽ hỗn loạn”, nhưng thực tế, sự hỗn loạn vẫn đang diễn ra, ông phân tích thế nào về thực tế này?
- Trong thế giới phẳng, lợi ích của mỗi quốc gia còn phụ thuộc vào sự phát triển chung của cộng đồng. Nếu một quốc gia tự áp đặt lên chính quốc gia mình và các quốc gia khác vì những lợi ích cục bộ thì sớm hay muộn họ sẽ phải trả giá và chuốc lấy thất bại.
Nhiều người cho rằng, quy luật chung hiện nay là lớn thắng bé, nhưng tôi cho rằng quy luật phát triển này sẽ không đạt được nền hoà bình bền vững cho đất nước. Một quốc gia có thể dùng sức mạnh cưỡng chiếm lợi ích của một quốc gia khác, nhưng nó sẽ mãi trở thành vấn đề nhức nhối mà họ sẽ phải đối mặt giải quyết. Không thể có hòa bình, ổn định và phát triển dựa trên sự áp đặt, cưỡng chiếm.
Nhìn lại lịch sử của chính Việt Nam sẽ thấy, mọi cuộc chiến tranh gây ra ở đất nước chúng ta đều bị bên ngoài áp đặt. Tuy nhiên chúng ta đều thắng. Thắng không phải vì chúng ta mạnh hơn, không chỉ vì nhân dân ta đoàn kết, mà còn bởi thế giới và chính đối thủ của chúng ta nhận ra đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa.
** Trong mối quan hệ đa phương, lợi ích các nước rất khác nhau thậm chí mâu thuẫn. Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức nào trong việc bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là khi ở nhiều quan hệ đa phương, Việt Nam rơi vào thế là tiếng nói của một nước nhỏ?
- Trong quan hệ quốc tế nói chung, việc cọ xát lợi ích dẫn đến mâu thuẫn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng giữa các quốc gia chắc chắn sẽ có nhiều điểm đồng, lợi ích chung có thể khai thác. Quan hệ đa phương chính là để tìm ra những điểm đồng để hợp tác, đưa những cái khác biệt ra giải quyết. Tìm điểm đồng sẽ làm giảm bất đồng, xung đột. Sau đó xác định được luật chơi, thống nhất những nguyên tắc cơ bản mà các bên phải thực hiện.
Trong hội nghị diễn đàn đa phương vừa qua, Thủ tướng đã nhấn mạnh, chúng ta sẽ chuyển từ tích cực tham gia sang chủ động đóng góp vào việc xây dựng luật chơi. Điều này là hợp xu thế. Những định chế chung sẽ giúp các nước tránh xung đột và leo thang căng thẳng.
Đứng trước những thách thức, chúng ta công khai những hành xử đúng đắn của mình. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hành xử đúng đắn không phải chỉ nêu vấn đề chủ quyền của quốc gia mình mà còn là lợi ích của các nước khác, trong đó đặc biệt là an ninh của khu vực và thế giới. Ví dụ, Biển Đông không phải là của riêng một quốc gia nào, nếu nó bị độc chiếm bởi sức mạnh bất chấp luật pháp quốc tế thì các nước có an toàn không, hàng hải thế giới có được đảm bảo thông suốt, luật pháp quốc tế có còn được tôn trọng và thực hiện nữa hay không? Đó chính là vấn đề của cộng đồng quốc tế, không riêng Việt Nam.
Bài học lớn nhất trong kế sách bảo vệ Tổ quốc là cuộc chiến chỉ giành thắng lợi khi nó bảo vệ chính nghĩa. Chúng ta phải để thế giới nhận thức đầy đủ bài học này, ngăn chặn được những hành động thiếu kiềm chế của những quốc gia có ý định sử dụng vũ lực với Việt Nam. Chính sách trong quốc phòng Việt Nam là hoà bình và tự vệ. Nhưng hoà bình không phải là cầu hoà. Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận một thứ hòa bình thỏa hiệp và áp đặt.
** Trong quan hệ đa phương, một Hợp tác quân sự giữa các nước có chung mối quan ngại sẽ có những giá trị nào với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Trong quan hệ đối ngoại nói chung trong đó có đa phương, Việt Nam không nhắm đến một nước nào cùng mình bảo vệ chủ quyền. Chúng ta cần sự đồng thuận của các quốc gia có chung lợi ích, cùng bị ảnh hưởng nếu chủ quyền của Việt Nam bị đe dọa.
Việc tham gia một liên minh với một nhóm nước nào đó cũng có nghĩa là tự khu biệt lợi ích trong một khuôn khổ cục bộ. Thế mạnh lớn nhất của chúng ta chính là lòng dân, là độc lập, tự chủ và quan hệ quốc tế rộng rãi theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa.
** Mọi sự phát triển đều cần dựa trên lòng tin, vậy mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có thể được cải thiện như thế nào sau giai đoạn vừa qua?
- Tuy quan hệ song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc có một số khác biệt, mâu thuẫn cần giải quyết, nhưng bên cạnh đó Việt Nam và Trung Quốc có nhiều lợi ích rất to lớn có thể dung hòa. Đây là lúc cần tổ chức, đánh giá lại các lĩnh vực quan hệ song phương.
Trung Quốc đưa ra ý kiến: gác tranh chấp để cùng phát triển. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận điều này khi cùng thống nhất xác định tranh chấp ở đâu, theo đúng luật pháp quốc tế, không được đơn phương, đặc biệt là không được dùng vũ lực, hoặc vũ lực trá hình.
Lòng tin chiến lược được phát triển trên cơ sở những lợi ích chiến lược. Lợi ích chiến lược càng nhiều thì lòng tin càng có cơ sở. Đúng là có nhiều khó khăn, nhưng tôi thấy có cơ sở để Việt Nam - Trung Quốc đạt được sự hài hòa lợi ích để cùng phát triển.
Nhưng hãy chọn cái "gió không cuốn đi được" để đặt niềm tin./.