Các bác sĩ sản khoa cho rằng, có rất nhiều biện pháp tránh thai hiện đại nhưng mỗi người nên biết tự chọn cho mình một phương pháp an toàn, hiệu quả và phù hợp với sức khỏe của chính mình.
Ảnh minh họa
Cuộc sống vợ chồng thăng hoa nhờ… triệt sản
Chị Hoa Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) đã sinh 2 con đủ trai, gái song một năm vẫn “dính” bầu 2, 3 lần. Do dùng thuốc tránh thai không hợp, chồng dùng bao cao su lại bị dị ứng… nên vợ chồng sinh hoạt phải tính ngày an toàn. Thế nhưng, họ vẫn cứ vỡ kế hoạch như thường.
Vốn là một giáo viên có hiểu biết nên chồng chị Mai đã đề xuất với vợ cho mình đi triệt sản. Chỉ mới nghe chồng nói đến chuyện triệt sản, chị Mai đã giãy nảy: "Anh điên à? Đang đàn ông ngời ngời thế này lại muốn thành quan hoạn…".
Chồng chị Mai đã in cho vợ xem nhiều tài liệu về triệt sản. Và để vợ yên tâm tuyệt đối, anh còn rủ chị đến gặp bác sĩ nam khoa để tư vấn. Sau đó, chị Mai đã đồng ý cho chồng đi triệt sản. Kể từ đó, vợ chồng chị Mai đã có cuộc sống tình dục mặn nồng hơn vì không lo “dính” bầu.
Rất dễ đậu thai, đã sinh mổ hai lần, lại mắc thêm bệnh tim, chị Bích Trâm (Đông Anh, Hà Nội) được bác sĩ tư vấn chồng nên triệt sản. Sau nhiều lần đắn đo chị đã quyết định nói chuyện với chồng. Chồng chị vừa nghe vợ nói đã chối đây đẩy vì cho rằng triệt sản sẽ khiến khoản ấy hỏng hẳn. Chị Trâm đã kiên trì giải thích cho chồng, đưa cho chồng xem các bài viết trên mạng nói về triệt sản nam, dần dần anh chồng nghe ra.
Chị Trâm kể: "Tôi đã nói với anh ấy làm việc đó là thương vợ, thương con. Anh chưa biết mang thai cực khổ thế nào, mỗi lần chẳng may có thai phải đi giải quyết ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe ra sao… Cuối cùng, anh đã chấp nhận. Hơn 2 năm anh triệt sản, tôi không còn nỗi lo mang bầu mỗi khi ngủ với chồng…”.
Trong khi có nhiều phụ nữ động viên khuyến khích chồng đi triệt sản vẫn có không ít phụ nữ phản đối kịch liệt việc chồng triệt sản. Có chị được chồng tình nguyện đi triệt sản để gánh nỗi lo tránh thai cho vợ thì bị vợ dọa ly hôn. Có bà vợ lại nảy sinh nghi ngờ chồng là gay, có bồ nhí… nên muốn đi "thiến" để tránh hậu quả con rơi….
Ngược lại, nhiều chị em xung phong đi làm chuyện đó thay chồng. Chị Kim Tuyến ở (Sài Sơn, Hà Nội) luôn nơm nớp mang bầu hàng tháng mỗi khi “đèn đỏ” đến muộn. Đã có 3 con và 4 lần phá thai nhưng đặt vòng thì bị rong kinh, uống thuốc tránh thai thì rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, ông xã lại không chủ động dùng bao cao su nên chị muốn triệt sản. Nói chuyện với chồng, chồng phản đối nhưng chị vẫn giấu chồng đi thắt ống dẫn trứng. “Như cất được gánh nặng, tinh thần thoải mái, ngủ với chồng rất tự tin như thuở mới cưới, chồng thấy thế cũng vui vẻ hẳn…”.
Giảm ham muốn, giọng nói “ai ái”… là hoang đường
Hiện nay, triệt sản (thắt ống dẫn trứng ở nữ, thắt ống dẫn tinh ở nam) là một trong những phương pháp tránh thai an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, không ít người còn hiểu sai về phương pháp này.
Triệt sản nữ là phương pháp tránh thai có tác dụng vĩnh viễn bằng cách thắt ống dẫn trứng. Trứng sinh ra trong buồng trứng của người phụ nữ. Mỗi tháng, thông thường sẽ có một trứng rụng rồi đi qua một ống dẫn trứng để vào tử cung. Thắt hai ống dẫn trứng là chặn đường đi của trứng, trứng vẫn rụng nhưng không thể đi vào tử cung và gặp tinh trùng ở đó, vì thế, phụ nữ sẽ không thể mang thai. Trường hợp này cũng tương tự như một số chị em bị bệnh tắc ống dẫn trứng.
Với triệt sản nam, thủ thuật còn đơn giản hơn nhiều. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc -Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức - cho biết, thắt ống dẫn tinh dễ thực hiện, an toàn, lại không hề có tác dụng phụ, nhưng được rất ít đấng mày râu lựa chọn vì nhiều người còn hiểu sai rằng việc này khiến họ mất, giảm khả năng tình dục, hoặc bị biến đổi giới tính. Thực chất, thắt ống dẫn tinh là chặn đường đi của tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh. Khi sinh hoạt vợ chồng, tinh dịch vẫn xuất bình thường nhưng không có tinh trùng nên người vợ không thể thụ thai được. Số tinh trùng không di chuyển, đọng lại trong ống sinh tinh, mào tinh và một phần dưới ống dẫn tinh, sau đó tự tiêu đi.
Bác sĩ Hoài Bắc còn khẳng định, cả triệt sản nam và triệt nữ đều không làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Vì thế, những người triệt sản không hề bị giảm ham muốn như nhiều người lầm tưởng. Một số cặp vợ chồng sau khi triệt sản cho biết họ còn cảm thấy hưng phấn hơn vì không phải lo lắng việc mang thai ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của các bác sĩ, trước khi thực hiện biện pháp tránh thai bằng triệt sản, cả nam lẫn nữ, các cặp vợ chồng cần phải cân nhắc thật kỹ vì các phẫu thuật nối lại vừa phức tạp, tốn kém mà khả năng thành công lại ít. Đã có những trường hợp sau một thời gian triệt sản lại muốn có thêm con do con mất, lấy vợ/chồng khác... nhưng không thể khôi phục lại khả năng sinh sản. Vì thế, chỉ khi chắc chắn không muốn có con nữa, hoặc không phù hợp với các biện pháp tránh thai khác, sức khỏe bị đe dọa nếu có thai... thì mới nên triệt sản.
Theo Ngọc Phương (Lao động)