Trả lời:
Trong cơ thể, khớp gối là một khớp phải hoạt động nhiều, chịu đựng trọng lượng của cơ thể và dễ bị tổn thương nhất.
Triệu chứng đau, nhức, mỏi khớp có thể do nhiều bệnh khác nhau của khớp như: chấn thương, viêm, thoái hóa, bệnh mạch máu hoặc nguy hiểm hơn là các bệnh u ác tính khớp gối.
Dựa vào tính chất đau của khớp gối, nếu đau nhiều khi tăng hoạt động khớp gối và nếu giảm đi khi nghỉ ngơi, đây là triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp hoặc đau sau chấn thương. Đôi khi có thể nghe thấy tiếng lạo xạo, lắc rắc gặp trong bệnh thoái hóa khớp.
Nếu bị thoái hóa khớp nó có thể chèn ép thần kinh gây nên triệu chứng tê chân; Nếu triệu chứng đau liên tục kể cả lúc nghỉ ngơi, tăng nhiều về đêm hoặc sáng sớm thì đây là triệu chứng của bệnh viêm khớp.
Ở lứa tuổi trẻ nếu chỉ đau khớp gối đơn thuần, không có điểm đau cố định và không kèm theo tình trạng viêm khớp (sưng nóng, đỏ) thì cần phải lưu ý đến nguyên nhân đau do chấn thương (chẳng hạn do căng kéo khớp gối mạnh khi tập thể dục...) hoặc do khớp luôn ở một tư thế cố định quá lâu (ngồi làm việc quá lâu không thay đổi tư thế, đứng quá lâu,...).
Khi bị đau nhức mỏi khớp gối, người bệnh có thể điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, xoa bóp, chườm; thay đổi chế độ vận động nhẹ nhàng, hợp lý; chế độ ăn giàu canxi, vitamin,... Nếu cảm thấy không đỡ bạn nên đến chuyên khoa cơ xương khớp.
Biện pháp phòng tránh đau nhức mỏi khớp gối: Tránh để không bị căng khớp gối khi vận động, chạy nhảy. Hãy khởi động khớp gối trước khi tập thể dục. Giữ đầu gối ấm vì gân và dây chằng dễ bị tổn thương khi gặp lạnh. Cố gắng kiểm soát cân nặng vì thừa cân, béo phì sẽ tăng áp lực lên khớp gối.
Khi đi bộ hoặc chạy trên nền cứng thì nên mang giày. Đeo đai bảo vệ đầu gối.
Theo BS. Đinh Thị Thanh/suckhoedoisong