“Tôi khẳng định tối 31-10, dứt khoát phải án binh bất động, kể cả hồ Kẻ Gỗ dứt khoát không được xả lũ. Nhưng ngày 1-11 lên đây kiểm tra thì Nhà máy thủy điện Hố Hô đã xả trong đêm. Việc này vi phạm chỉ đạo của tỉnh” - ông Sơn nói với các lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô.
Ông Sơn cũng khẳng định qua kiểm tra cho thấy thủy điện Hố Hô không chấp hành nghiêm túc, chưa tính toán được việc nếu xả lũ thì vùng hạ lưu sẽ ngập lụt như thế nào. Đồng thời cho rằng nếu xả lũ phải tính toán để xả lũ ban ngày chứ sao xả vào ban đêm.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN)tỉnh Hà Tĩnh, do mưa lớn nên một số hồ chứa nước ở nhà máy thủy điện phải xả lũ. Trong đó, thủy điện Hố Hô xả tràn lúc 8 giờ sáng 28-10 với lưu lượng 83 m3/giây và đến 5 giờ ngày 1-11 thì xả 773 m3/giây.
Xe tải ở Quảng Bình chạy trong lũ, chở theo sáu người đã bị trượt bánh, nghiêng hẳn qua một bên nhưng rất may xe không bị lật. Ảnh: MQ
Trong một diễn biến khác, ngày 31-10, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra việc thủy điện Hố Hô xả lũ trong đợt lũ từ ngày 13 đến 16-10 gây bức xúc dư luận. Theo đó, việc xả lũ của hồ chứa Hố Hô có ảnh hưởng nhất định tới hạ du nhưng xả lũ trong tình huống khẩn cấp, phù hợp với quy trình vận hành hồ chứa. Tuy vậy, Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (chủ thủy điện Hố Hô) chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về trách nhiệm thông tin, báo cáo...
Do vậy Bộ Công Thương sẽ xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Thủy điện Hồ Bốn trong lĩnh vực an toàn đập, nếu tái phạm sẽ xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
• Ngày 1-11, lũ lớn dồn dập về tám huyện, thị của tỉnh Quảng Bình với lượng mưa đo được gần 1.000 mm. Nhiều địa phương ở tỉnh bị ngập sâu như xã Tân Hóa (Minh Hóa), xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa), xã Phù Hóa (Quảng Trạch) nước cô lập hai ngày, không thể thông thương với bên ngoài... Tại Quảng Bình đã có ba người chết.
Trong khi đó, hàng loạt đoàn cứu trợ phải dừng lại lịch trình về với dân vùng lũ do nước dâng cao, đi lại không đảm bảo an toàn. Trong sáng 1-11, khi đang vượt lũ tại tuyến đường liên xã đoạn qua xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), một xe tải chở theo sáu người đã bị trượt bánh, nghiêng hẳn qua một bên nhưng rất may xe không bị lật. Những người trên xe được ứng cứu kịp thời nên không bị nguy hiểm.
Cùng ngày, mưa lớn tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), hơn 2.700 căn nhà bị ngập nước.
Ông Trần Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, cho biết huyện Cẩm Xuyên có hơn 850 nhà ngập sâu 0,5-1 m. Đặc biệt huyện “rốn lũ” Hương Khê có hơn 1.100 nhà dân bị ngập sâu 1-2 m và các tuyến đường liên thôn, liên xã ngập sâu 0,5-1 m.
Tính đến ngày 1-11, ở một số địa điểm ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), mực nước lên cao khiến giao thông bị chia cắt. Hai tuyến đường từ xã A Tiêng đến xã Dang, xã Axan đi Ch’ơm, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) bị sạt lở, giao thông đi lại khó khăn. Nước sông Vu Gia cũng đang dâng, dự báo trong ngày tới mực nước có thể biến động mạnh do lượng mưa lớn.