Sau sự kiện tàu Titanic chìm xuống đáy biển, văn hóa đại chúng cho rằng người thuyền trưởng nên cùng sinh tử với con tàu do mình điểu khiển. Nhưng chỉ trong hai năm trở lại đây, đã hai lần xảy ra việc thuyền trưởng bỏ chạy khỏi tàu đang chìm, coi mạng sống của bản thân cao hơn hàng trăm hành khách, những người đang hoảng loạn vì lo sợ.
Lần thứ nhất xảy ra trên du thuyền Costa Concordia tại Italy vào năm 2012 và lần mới nhất là vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc. Thuyền trưởng Lee Jun-seok, 69 tuổi, cùng một số thành viên trong tổ lái tự mình tháo chạy đến nơi an toàn, trong khi hơn 400 hành khách vẫn đang mắc kẹt dưới khoang.
Chính bởi hành vi trên mà ông Lee hiện bị bắt và điều tra. Người dân Hàn Quốc gọi viên thuyền trưởng này là "Con quỷ phà Sewol". Tổng thống Park Geun-hye chỉ trích hành vi bỏ phà chẳng khác gì sát nhân.
Thuyền trưởng Lee Jun-seok rời bỏ phà Sewol đang chìm, bỏ mặc mạng sống của hàng trăm hành khách khác. Ảnh: Sky News |
Các chuyên gia hàng hải cho rằng hành vi của Lee Jun-seok đã phản bội lại "truyền thống quốc tế quang vinh" của người đi biển. Truyền thống này không những có cơ sở pháp luật, mà còn là chuẩn tắc được công nhận phổ biến.
"Ông ta đã khiến cho tất cả những người từng chỉ huy tàu thuyền trên biển cảm thấy xấu hổ", thiếu tướng về hưu người Mỹ, ông John Padgett, bình luận. Ông Padgett từng là thuyền trưởng chỉ huy tàu ngầm.
Đại tá Hải quân Mỹ William Doherty cũng có chung cảm nhận trên. Doherty từng chỉ huy chiến hạm và tàu thương mại, cũng từng phụ trách an ninh cho một công ty hàng hải lớn. Ông cho biết quyết định rời phà, bỏ mặc sự sống chết của hàng trăm hành khách là "điều nhục nhã".
"Nếu như bạn phải chịu trách nhiệm cho gần 500 sinh mạng, thì bạn không thể là người đầu tiên bước lên xuồng cứu hộ", Đại tá Doherty nói. Ông cũng cho biết vụ phà Sewol tương tự như vụ chìm tàu Costa Concordia tại Italy.
Viên thuyền trưởng của tàu Concordia Francesco Schettino đang bị xét xử với cáo buộc giết người do sơ suất, khiến tàu bị lật, làm hơn 30 người thiệt mạng.
Tòa án dân sự Mỹ luôn cho rằng thuyền trưởng có nghĩa vụ bảo vệ hành khách và tàu thuyền. Nhưng hai vụ việc tại Italy và Hàn Quốc như sự kiểm nghiệm cho câu hỏi liệu thuyền trưởng có phải chịu trách nhiệm hình sự trong các vụ tai nạn hay không.
Các chuyên gia cho biết đa số các quốc gia không có quy định rõ ràng rằng thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời khỏi tàu, nhưng luật pháp Hàn Quốc lại có quy định trên. Đây là lý do mà giới chức nước này được quyền bắt Lee Jun-seok bởi hành vi bỏ tàu và hành khách trong lúc nguy hiểm.
Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng trên biển lần đầu được thông qua năm 1914 sau sự kiện chìm tàu Titanic. Theo đó, thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của tàu thuyền và hành khách. Văn bản sửa đổi của công ước trên còn quy định hành khách cần được sơ tán khỏi tàu trong 30 phút đầu tiên sau hồi còi báo động.
Quá trình chìm của phà Sewol diễn ra trong hai tiếng rưỡi, nhưng theo lời kể của những người sống sót, thuyền viên yêu cầu hành khách phải ở nguyên vị trí trong khoang. Đây được cho là nguyên nhân khiến hàng trăm hành khách lỡ mất cơ hội thoát hiểm.
Quy định của Hải quân Mỹ còn nghiêm ngặt hơn so với tàu thương mại. Từ năm 1814, hải quân đã quy định thuyền trưởng ở lại trên thuyền bị nạn lâu nhất có thể và dốc toàn lực bảo vệ tàu, ông Dave Werner, phát ngôn viên thuộc Phòng lịch sử Hải quân Mỹ, cho biết.
"Trong trường hợp phải rời bỏ thuyền, sĩ quan chỉ huy phải là người cuối cùng rời thuyền", ông Werner dẫn quy định mới nhất. Trong lịch sử hàng hải, rất nhiều thuyền trưởng cự tuyệt rời thuyền dù đang chìm.
Những đóa hoa đặt bên cạnh di ảnh của Park Ji-young, nữ thuyền viên hy sinh trong lúc giải cứu các hành khách. Ảnh: CNN |
Năm 1912, thuyền trưởng E. J. Smith của tàu Titanic có thể đã mắc sai lầm vì lái quá nhanh khi tàu này đâm vào tảng núi băng, nhưng hành động giúp đỡ cứu nạn hơn 700 người của ông lại được tán thưởng và đi vào lịch sử. Smith kiên quyết yêu cầu để trẻ em và phụ nữ rời tàu trước tiên, còn bản thân mình thì ở lại khoang điều khiển, chìm cùng con tàu huyền thoại.
Năm 1949, khi tàu Cochino của Hải quân Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh, bốc cháy và sắp chìm tại khu vực biển gần Liên Xô, thuyền trưởng Rafael Benitez cự tuyệt rời khỏi tàu. Khi đó, những thuyền viên khác đều thoát khỏi tàu sang một chiến hạm khác hoạt động gần đó. Benitez hy vọng có thể cứu Cochino, tàu ngầm gián điệp đầu tiên của nước này trong Chiến tranh Lạnh. Chỉ đến khi các thuyền viên khác gào lên rằng con tàu đang chìm, thuyền trưởng này mới chịu rời tàu.
Trong vụ chìm phà Sewol, cũng xuất hiện những người anh hùng. Đó là cậu thiếu niên Park Ho-jin, 16 tuổi, phát hiện một bé gái 6 tuổi đứng một mình trên mạn tàu. Anh trai cô bé đã để em ở đó để quay lại khoang hành khách tìm mẹ. Park ôm lấy bé gái, cùng đưa em lên xuồng cứu hộ với mình.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như Park. Nữ thuyền viên Park Ji-young, 22 tuổi, giúp một số học sinh mặc áo phao và yêu cầu các em nhảy xuống biển, bơi về phía xuồng cứu hộ.
"Chúng em khuyên nhảy xuống cùng, nhưng chị ấy từ chối và cũng không giữ cho bản thân lấy một chiếc áo cứu sinh", một học sinh cấp ba sống sót kể lại.
"Cứu xong các em rồi chị sẽ nhảy xuống sau. Thuyền viên phải là người cuối cùng rời phà", Park Ji-young nói. Nhưng nữ thuyền viên này đã hy sinh. Người ta tìm thấy thi hài cô nổi trên mặt biển.
Theo Đức Dương (VNE / New York Times)