“Tính đến tháng 6, Việt Nam có 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trong đó, ảnh hưởng đến thu nhập chiếm đến 57%, tương ứng 17,6 triệu người”.
Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố tại buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý II và sáu tháng đầu năm, diễn ra sáng 10-7.
Theo Tổng cục Thống kê, trong các khu vực kinh tế, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
Người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. “Đây là mức giảm chưa từng có từ trước đến nay” - đại diện Tổng cục Thống kê nhận xét.
Đồ họa: H.LOAN
Lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Riêng quý II, lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về thu nhập, so với cùng kỳ năm 2019, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II-2020 khu vực dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong ba khu vực kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%.
Tác động của dịch làm tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao nhất 10 năm, tính riêng quý II là 2,73%, tập trung chủ yếu khu vực thành thị. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp. “Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, người có trình độ chuyên môn bậc trung và bậc cao có cơ hội tìm kiếm việc làm cao hơn” - đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.
Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động Vũ Thị Thu Thủy nhận định từ nay đến cuối năm, số lao động mất việc làm có khả năng còn tăng nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất không được thực hiện một cách quyết liệt. “Khả năng khoảng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải không dễ xảy ra” - bà Thủy dự báo.
Với diễn biến tiêu cực của thị trường lao động, Tổng cục Thống kê kiến nghị đẩy mạnh việc thực hiện các gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để phục hồi hoạt động sản xuất.
Cạnh đó, nghiên cứu xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Có chính sách khuyến khích người lao động nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu trong trạng thái “bình thường mới”.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng việc đề xuất các gói hỗ trợ ở thời điểm hiện tại có thể chậm nhưng vẫn nên làm. “Chính sách phải xét trong tầm nhìn dài hạn, không bó buộc lại trong năm 2020 mà phải tính đến các năm tiếp theo…” - ông Vinh nói.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 10-7, Tổ chức Lao động quốc tế cho biết đây là lần đầu tiên trong năm năm qua ghi nhận thu nhập bình quân tháng của người lao động Việt Nam trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, tin tưởng rằng Việt Nam ở vị thế tốt hơn hầu hết các nước khác để vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động, giống như đã thành công đối với cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng. |