BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, cho biết hiện tình trạng tử vong mẹ rất cao. Những số liệu mà chúng ta đọc được từ các báo cáo của bệnh viện chỉ là phần nổi, còn phần chìm không bao giờ được đề cập tới. Vì người Việt Nam có văn hóa “im lặng tập thể” hoặc “sợ bị trừng phạt”.
Tại các hội nghị quốc tế, số liệu Việt Nam đưa ra khác xa so với số liệu được công bố, trong khi chúng ta luôn báo cáo đã làm tốt công tác y tế dự phòng. Thế nhưng theo số liệu nghiên cứu của thế giới, hiện tỉ lệ vỡ ối mổ lấy thai của nước ta cao ngất ngưởng.
Các đại biểu tham dự hội thảo ngày 17-5. Ảnh: NQ
Bên cạnh đó, tỉ lệ đề kháng kháng sinh ở Việt Nam cũng ở mức đáng báo động. Hiện Việt Nam đứng thứ 12 trong số 28 quốc gia có tỉ lệ đề kháng kháng sinh hàng đầu thế giới. Đây là con số khiến chúng ta xấu hổ. “Tôi thiết nghĩ không biết các con số đó được lấy ở đâu” - BS Nhi nói.
BS Nhi cho hay trong sản khoa số liệu tốt xấu đều có nhưng nói chung những con số đó không đúng. Cho nên tại các hội nghị quốc tế, những báo cáo của chúng ta không được đánh giá cao, quan trọng hơn chúng ta không đánh giá đúng thực trạng của mình để có thể rút kinh nghiệm.
“Trong một năm, các anh chị nói rằng bệnh viện tôi băng huyết có mấy ca, tôi nghĩ điều này hoàn toàn sai. Ngay tại BV Từ Dũ, nếu chiếu theo định nghĩa băng huyết sau sinh thì rất nhiều. Còn báo cáo chủ yếu mấy ca tai biến nặng, còn những ca khác thì không được thống kê... Như vậy tỉ lệ băng huyết sau sinh trên thế giới bao giờ cũng cao, còn tại Việt Nam thì có tỉ lệ không cao lắm” - BS Nhi lưu ý.
Cùng quan điểm, BS Huỳnh Thị Kim Chi, Giám đốc BV Phụ sản Nhi tỉnh Bình Dương, chia sẻ mục tiêu chính của hội nghị là các tỉnh lập kế hoạch về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em trong năm năm sắp tới. Để lập kế hoạch, các tỉnh cố gắng đừng dựa trên hệ thống báo cáo thông thường của mình.
“Với kinh nghiệm trong nhiều năm làm việc tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, tôi thấy số liệu của mình hiện tại không đáng tin cậy. Ví dụ như băng huyết, theo báo cáo một năm chỉ có chục ca băng huyết sau sinh. Thử hỏi chúng ta có thể căn cứ vào số liệu đó để lập kế hoạch hay không? Không thể nào được. Bởi tỉ lệ bị băng huyết thường chiếm 2%-6% trong tổng số ca sinh. Trong khi đó báo cáo hệ thống chỉ mấy ca, đa phần những ca này gần tử vong mới báo cáo. Với những con số như thế làm sao lập kế hoạch triển khai tốt được” - BS Chi nhấn mạnh.
ThS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế), cho hay nhiều đơn vị xây dựng mục tiêu xa rời thực tế. Một tỉnh tại khu vực miền núi lập kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong năm năm tới với các chỉ tiêu như tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong chiếm 2,5‰, tỉ lệ trẻ em tử vong dưới một tuổi 3,5‰, dưới năm tuổi là 5,5‰. Những số liệu này chắc chắn không khả thi. Bởi con số đưa ra còn thấp hơn cả các nước phát triển trên thế giới như Singapore, Nhật Bản… Cho nên mục tiêu này làm sao thực hiện.
“Khi tôi hỏi lại, đơn vị đó cho biết mục tiêu đưa ra dựa trên số liệu của hệ thống thống kê báo về. Con số này là quá thấp, đến năm 2100 cũng chưa thể thực hiện được. Một bản kế hoạch như thế cho thấy tỉnh đã không xác định được vị trí của mình đang ở đâu” - ông Tuấn góp ý.
Theo BS Nhi, nguyên nhân do chúng ta chưa có dữ liệu riêng cho bệnh viện cũng như hệ thống quốc gia. Cho nên nhân hội thảo này, bà muốn kêu gọi mọi người vận động ủy ban, bệnh viện đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hệ thống quản lý.
Còn theo BS Kim Chi, muốn lập kế hoạch tốt, việc đầu tiên các tỉnh phải chú ý làm tốt công việc nhận định thực trạng của mình. Muốn nhận định được thực trạng, trước hết tỉnh phải tiến hành hoạt động điều tra cơ bản mới có thể ra được con số chính xác. Riêng việc nắm bắt thực trạng cũng tốn nhiều công sức và thời gian. Nếu làm tốt công việc này mới có thể đưa ra được mục tiêu phù hợp.