Đây là lần thứ hai Ý không vượt qua vòng bảng World Cup. Lần thứ nhất năm 1958, Ý cũng không vượt qua vòng loại. Lịch sử của 60 năm đã lặp lại. Thử hỏi ai mê bóng đá mà không tiếc cho màu áo thiên thanh...
Xem tuyển Ý đá bóng ở quê
Những thập niên 80-90 của thế kỷ 20, chúng tôi chỉ 7, 8 tuổi nhưng đã mê bóng đá. Và hễ có Ý đá Euro hay World Cup là chúng tôi mê mẩn, xem không biết chán và không buồn ngủ. Họ được mệnh danh màu áo thiên thanh cùng với những cầu thủ đẹp trai vào loại nhất thế giới nên con gái xóm tôi cũng mê mà ngồi thức xem.
Ngoài hai đội tuyển Brazil, Argentina thì tuyển Ý và cơn lốc da cam - Hà Lan, cổ xe tăng Đức là ba đội bóng châu Âu mà chúng tôi khoái nhất. Bởi ba đội châu Âu này luôn có mặt ở sân chơi Euro và World Cup những hai năm là gặp lại.
Với riêng tuyển Ý mọi người không thể nào quên những huyền thoại như Paolo Rossi, Roberto Baggio, Buffon,...
Paolo Rossi
Chúng tôi chính thức xem trận đấu đăng quang đầu tiên và lần thứ 3 vô địch của Ý là vào năm 1982. Năm đó cả xóm chỉ duy nhất nhà ông Tú có tivi nhưng được cái ông cũng mê bóng đá nên tivi đem ra giữa sân cho mọi người cùng xem. Anh trai tôi từ lúc 10 giờ đêm đã luộc khoai lang thủ sẵn rồi tranh thủ chợp mắt. Đúng 1 giờ sáng anh gọi ba anh em tôi dậy cùng cầm đèn dầu đi.
Nhà ông Tú buôn bán thuộc hạng giàu có nhất nhì ở cả thị trấn nên có máy phát điện. Anh em chúng tôi đến đã nghe tiếng rồ rồ với màn hình tivi 14 Inch trắng đen đang nổi những đóm trắng chập choạng vì chưa có tín hiệu. Nhưng sau đó tivi đã tiếp nhận sóng và trận đấu còn 15 phút là chính thức. Ông Tú pha trà nóng để sẵn ai thích thì dùng và một lu nước giếng múc sẵn để đó cho lũ nhóc chúng tôi. Anh em tôi góp rổ khoai lang luộc. Sang hơn nhà chị Yến, anh Phương góp nồi cháo gà. Vì là trận chung kết Ý - Đức nên dường như ai cũng háo hức nhộn nhịp như ban ngày.
Lũ nhóc chúng tôi vui hết biết vì đây là dịp ăn uống no say miễn phí. Tôi chỉ nhớ thoang thoáng những anh chị lớn rủ nhau cá độ chầu cà phê sáng nên chia ra hai phe. Nhưng anh em tôi nhất quyết chỉ chọn màu áo thiên thanh. Anh ba tôi buột miệng hát "Màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào..." như khẳng định là đã chọn rồi đấy. Và những người còn lại bắt Đức.
Marco Tardelli ăn mừng sau khi ghi bàn thắng thứ hai cho đội tuyển Italia trong trận chung kết với đội tuyển Đức tại World Cup năm 1982 diễn ra tại Tây Ban Nha.
Huyền thoại Paolo Rossi
Năm đó sao tôi mê cầu thủ Rossi đến lạ. Anh đã mở tỉ số trận đấu và giúp Italia hạ Đức 3-1 lên ngôi vô địch lần thứ ba trên đất Tây Ban Nha. Điều đặc biệt, đội vô địch Italia không thắng nổi một trận nào ở vòng bảng. Paolo Rossi thì không ghi nổi bàn nào trong bốn trận đầu tiên. Nhưng chung kết họ lại hạ Đức. Chính tinh thần thi đấu đó làm cho cả thế giới ngưỡng mộ họ.
Người hùng huyền thoại Paolo Rossi
Paolo Rossi trở thành vua phá lưới với sáu bàn thắng giúp anh đoạt Quả bóng vàng. Người hùng huyền thoại Rossi trở thành anh hùng của riêng nước Ý và sống mãi với lịch sử World Cup 1982.
Huyền thoại Roberto Baggio
Ý vào chung kết World Cup 1994 với Brazil. Ý tuy về hạng nhì - Á quân nhưng người xem không thể nào quên một huyền thoại sau Rossi đó là anh chàng đẹp trai quyến rũ có tóc đuôi ngựa Roberto Baggio.
Roberto Baggio.
Baggio một trong những cầu thủ tài năng và nổi tiếng nhất thập niên 1990 cũng như những năm đầu thập niên 2000. Baggio từng cùng đội tuyển Ý tham dự ba kỳ World Cup và là cầu thủ Ý duy nhất ghi được bàn thắng trong cả ba kỳ.
Ông là cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển Ý tại World Cup 1994, người đã dẫn dắt đội bóng áo thiên thanh vào đến trận chung kết và chỉ chịu thua trước Brazil trên chấm phạt đền, đáng chú ý hơn cả chính Baggio lại là một trong ba cầu thủ của tuyển Ý sút trượt penalty dẫn đến thất bại của đội bóng.
Baggio đã giành được cả hai danh hiệu cao quý nhất của bóng đá thế giới khi còn thi đấu, Quả bóng vàng châu Âu (1993) và Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA (1993).
Thời điểm siêu sao Roberto Baggio của đội tuyển Italia đưa bóng vọt xà ngang khung thành đội tuyển Brazil trong loạt đấu luân lưu 11 m trong trận chung kết World Cup 1994 khiến đội tuyển này vụt mất chức vô địch vào tay đội tuyển Brazil.
Cái húc đầu của Zidane giúp Ý vô địch lần thứ 4
Ấn tượng hơn hết là lần vô địch thứ 4 tại World Cup 2006 của tuyển Ý trước Pháp. Năm đó, nhà nhà đã có tivi lại đang làm việc ở Sài Gòn nên chúng tôi kéo nhau ra Nhà văn hóa Thanh niên xem màn hình lớn cho đã mắt. Trận chung kết giữa Itali-Pháp là trận kinh điển gây háo hức cho hàng triệu người xem trên cả thế giới. Bởi Pháp đã liên tiếp hai lần đoạt cúp thế giới, World Cup 1998 ngay trên sân nhà trước Brazil và vô địch cúp châu Âu 2000 trước Italia.
Một hình ảnh không đẹp của huyền thoại bóng đá Pháp Zinedine Zidane khi dùng đầu húc vào người tiền đạo Marco Materazzi của Italia trong trận chung kết World Cup 2006 giữa Pháp và Italia. Chung cuộc Italia thắng Pháp 3-5 sau loạt đá luân lưu 11m và đem về chức vô địch World Cup lần thứ tư.
Trận chung kết khiến người xem nhớ mãi khi kết thúc trận thi đấu chính thức cả hai hòa (1-1). Bước ngoặt lịch sử là ở hiệp thi đấu phụ phút 110, đội trưởng đội tuyển Pháp Zinedine Zidane đã bất ngờ dùng đầu húc mạnh vào ngực của tiền vệ Marco Matterazi, người đã gỡ hòa cho Ý ở thời gian thi đấu chính thức, trong khi thủ thành Buffon của Italia chuẩn bị thực hiện quả phát bóng lên. Matterazi đã ngay lập tức nằm gục xuống sân vì đau đớn.
Trận đấu phải tạm dừng và trọng tài đã không do dự rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Zidane.
Đây là một tình huống rất nổi tiếng trong lịch sử các trận chung kết World Cup, bên cạnh các tình huống khác như pha bóng tranh cãi của Geoff Hurst trong trận chung kết năm 1966...
Cú húc đầu của Zidane sau này thường được đặt cho cái tên là "Thiết đầu công". Nguyên nhân của hành động này sau đó được tiết lộ là do Matterazzi đã có lời nói xúc phạm đến người bà của Zidane. Thiếu vắng đội trưởng, Pháp đánh mất sự bình tĩnh và gục ngã 3-5 trước Ý tại loạt sút luân lưu sau đó và chấp nhận ngôi á quân.
Tuyển Ý vô địch World Cup 2006. Đây là lần thứ 4 Ý vô địch thế giới
Và cơ hội lần thứ 5 đã dập tắt vào rạng sáng 14-11 khiến vua gác đền Buffon giã từ đội tuyển
Nhớ tuyển Ý nhớ màu áo thiên thanh và cơn lốc da cam đã không có mặt ở Nga trong ngày hội túc cầu thế giới mùa hè 2018. Tiếc thay.
Lịch sử bóng đá Ý Lần theo lịch sử, tuyển Ý không tham dự World Cup lần đầu tiên vào năm 1930. Nhưng khi họ bước vào sân chơi thế giới lần đầu tiên (1934) họ đã đăng quang. Ý được xem là một trong những đội tuyển quốc gia mạnh nhất thế giới: Họ là đội bóng thành công thứ ba trong lịch sử World Cup chỉ sau Brazil (năm lần vô địch) và Đức (bốn lần vô địch). Ý cũng có bốn chức vô địch (1934, 1938, 1982 và 2006), hai lần về nhì (1970, 1994), một lần về thứ ba (1990) và một lần đứng hạng tư (1978). Ý cũng đã giành được một chức vô địch Euro vào năm 1968, và hai lần về nhì (2000, 2012). Ngoài ra, đội tuyển Ý cũng đã vô địch Thế vận hội vào năm 1936 tại Berlin. Thành tích tốt nhất của Ý tại FIFA Confederations Cup là vị trí thứ 3 năm 2013. Và đến hôm nay 14-11, họ không vượt qua vòng loại lần thứ hai trong lịch sử. Ngậm ngùi. Tiếc thay... |