Khách trên chiếc xe du lịch bước xuống cả thảy sáu người. Người đàn ông thấp đậm tự giới thiệu mình là trưởng đoàn, dân làm báo từ miền Nam ra làm từ thiện. Anh chìa tay giới thiệu từng người trong đoàn với chủ nhà: “Đây là anh Kha, trưởng ban công tác bạn đọc, sẽ làm việc với thầy giáo Hoài nhiều đó nghe. Đây là bà xã tôi, phóng viên. Anh này là tài xế. Hai đứa nhỏ này là con vợ chồng tôi, sẵn dịp hè cho các cháu ra vùng quê Bắc bộ chơi một chuyến”.
Nghe giới thiệu xong, chủ nhà lật đật chạy vào nhà trải chiếu xuống nền đất rồi kéo khách vào ngồi mời nước. Trên manh chiếu lỗ chỗ rách, khách và chủ nhanh chóng gần gũi nhau bởi một bên là dân làm báo, một bên vừa có bài báo đầu tiên trong đời dạy học của mình. Họ bàn luận sôi nổi về bài báo của Hoài nói về những phận người ở vùng quê heo hút của anh: Đã quá nghèo lại còn bị di chứng chất độc da cam hành hạ.
Sau khi trao giấy khen “Bạn đọc cùng làm báo” cho Hoài, anh trưởng đoàn không ngại ngần đề nghị: “Anh cho chúng tôi ở lại đây vài ngày để đến những nhà nghèo khổ trong vùng làm từ thiện nhé?”. Mặt Hoài lộ vẻ thẫn thờ. Nghĩ hoàn cảnh nhà mình quá nghèo, biết bố trí khách ăn ở ra sao khi chuyện vệ sinh cả nhà còn phải giải quyết ngoài vườn bằng cái cuốc! Nhìn nét mặt chủ nhà, anh trưởng đoàn khoát tay lia lịa nói: “Không sao... là dân làm báo chúng tôi quen sương gió rồi. Vả lại cũng đem theo nhiều thứ, đủ cho cả đoàn sinh hoạt dọc đường mà”. Nói rồi, không đợi Hoài đồng ý, anh hối thúc người trong đoàn ra xe đem đồ đoàn vào...
Mấy ngày đoàn khách lưu trú nhà Hoài, lịch làm việc của họ kín mít. Trái với sự lo lắng của vợ chồng Hoài, các vị khách tỏ ra thích cảnh đồng quê lắm. Thích tắm suối và đêm nào cũng tản bộ lên nương ngắm trăng... Cả việc ăn uống của họ cũng đơn giản. Những bữa ăn tối cả chủ lẫn khách quây quần trên manh chiếu cũ ngoài sân thật là ấm áp. Canh rau tập tàng nấu với vài con tôm, con cá do Hoài tranh thủ quăng chài ngoài suối, hoặc nắm rau, mớ lá hái trong vườn đem xào, nấu với mấy con ốc, con cua vợ Hoài bắt ngoài đồng. Thêm đĩa cà nướng hay đĩa dưa cải muối xổi nữa, vậy mà bữa nào khách cũng xuýt xoa khen ngon đáo để!
Thời gian trôi cái vù, chỉ hai ngày nữa là khách sẽ rời nhà Hoài. Tối nay khách đang say giấc ở gian nhà trên. Ngoài trời con trăng mười sáu đã chếch đằng Tây. Gió núi từng cơn lạnh lẽo tràn về làm mái tranh nhà Hoài rung lên xào xạc. Đâu đó tiếng gà rừng đã eo óc gáy. Nằm trên chõng tre, Hoài không sao chợp mắt được bởi cái nghĩa khí của ông giáo làng. Hoài nghĩ khách là dân thành phố mà sao sống tình cảm quá. Đến từng nhà nghèo khó trong vùng giúp đỡ tiền bạc của chính mình và sự ủy thác của bạn đọc. Vậy khi họ ra về, mình phải thay mặt dân làng đối đãi sao cho trọn cái tình với họ chứ. Mấy lít mật ong rừng bà con trên xóm núi đã gom, nhưng đó là quà của người làng. Riêng mình phải làm một bữa tiệc chia tay để thể hiện lòng biết ơn với khách chứ!
Nhưng xoay xở sao khi nhà mình quá nghèo?
Chuyện xảy ra một năm trước, sau cái giỗ đầu của bố thì mẹ anh tự nhiên liệt nửa người. Cõng mẹ đến trạm xá thì người ta bảo phải đưa lên tuyến trên. Tang cha đã nhẵn tiền, muốn chữa bệnh kịp thời cho mẹ thì phải vay tiền “nóng”...
Đang suy tưởng chuyện nhà, bỗng Hoài nghe tiếng bước chân xào xạc của đàn bò nhà ai sẩy chuồng đi hoang trong đêm và tiếng sủa gắt của hai con chó nhà mình. Thứ âm thanh hỗn tạp quen thuộc đó đã đưa Hoài vào giấc ngủ muộn.
Sáng ra, để giúp khách hoàn tất công việc từ thiện cuối cùng, Hoài bảo vợ thay mình dẫn khách đến thăm một gia đình thật khó khăn ở dưới chân núi xa. Chiều cả đoàn lê bước về đến đầu ngõ đã nghe mùi thịt nướng sực nức khiến dạ dày ai nấy rạo rực. Tắm xong, cả đoàn hân hoan ngồi vào chiếu tiệc được bày giữa sân. Trời chiều gió núi liu hiu mát quyện mùi rượu gạo ủ men rừng thơm lừng đến... nghẹn nước bọt, hứa hẹn một bữa tiệc đầy ắp thú vị.
Mấy ngày nay hai đứa trẻ với hai con chó đã gắn kết với nhau thành tình bạn thân thiết không rời nhau nửa bước. Hôm nay vì đi xa mà Hoài giữ hai con chó ở nhà. Giờ đây, dù rất đói nhưng hai đứa con của khách vừa ngồi vào mâm là nhấp nhổm nhìn quanh xem hai bạn chó ở đâu để chia sẻ cho một khúc xương, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng. Ở mâm trên, rượu đã rót và cánh đàn ông chạm cốc cái “cộp” nghe thật khí thế. Giữa giây phút “thiêng liêng” ấy, vợ anh trưởng đoàn khều tay chồng nói: “Anh... hình như thịt chó!?”. Anh trưởng đoàn nói khẽ: “Ừ... anh đã biết. Em vào nhà lấy vài món thức ăn khô ra ngồi nhấm nháp cho vui, khéo léo đừng thể hiện gì để Hoài biết mà mất vui nghen”. Ngồi bên, thấy khách không đụng đũa đến những món ăn ngon, mẹ Hoài nói: “Ăn đi cô, chó nhà chớ không phải mua mô mà sợ chó đánh bả”. Hai tiếng “chó nhà” như một quả bom nổ giữa bàn tiệc.Tức thì mấy vị khách buông đũa nhìn kỹ thức ăn rồi quay sang nhìn Hoài dò hỏi. Khi đã hiểu sự thật, mấy đứa con khách đồng thanh la lên “Hả!” rồi rời chiếu tiệc, ôm nhau khóc rống. Khách ai nấy mặt mày buồn xo, lặng lẽ rời chiếu tiệc tản bộ ra sau vườn. Chỉ anh trưởng đoàn là còn ngồi cụng ly với Hoài.
Đêm nay Hoài không ngủ được nữa rồi. Đêm trước quyết định thịt một con chó đãi khách anh cũng không chợp mắt được. Hai con chó khắng khít với anh từ khi còn bú sữa mẹ. Tính nết chúng thật trái ngược nhau. Một con thông minh, đố ai đem được thứ gì ra khỏi nhà mà chưa có sự đồng ý của chủ, nhưng khi đã ngủ rồi thì không còn biết trời đất gì. Con còn lại tính nết hiền lành, ai cũng thân thiện được nhưng rất tỉnh ngủ, động một tí là sủa ầm lên đánh thức bạn dậy. Hai con chó bổ khuyết tính cách cho nhau thật là hoàn hảo. Thịt một con nghĩa là chấp nhận việc giữ nhà sẽ kém hiệu quả. Vì quý khách mà anh đã chọn cái điều bất lợi đó. Rồi mất công sức làm nên một bữa tiệc tươm tất, vậy mà kết quả ngược lại, hỏi anh không buồn sao được.
Cảm giác bẽ bàng lẫn tiếc nuối và lý lẽ đúng sai đã làm tâm tư Hoài về khuya càng rối. Thịt chó nhà đãi khách quý là việc làm bình thường ở quê anh, lẽ nào mấy vị khách lại xem là bất nhẫn?
Đang dằn vặt thì Hoài bỗng nghe giọng phụ nữ miền Nam đay nghiến chồng trong đêm: “Lòng dạ nào mà anh ngồi nhai thịt con Vàng kia chứ? Chứng kiến cảnh ấy, em và con kinh sợ quá, có lẽ tâm hồn chúng đã bị tổn thương vì anh mất rồi...”. Giọng anh trưởng đoàn khổ sở: “Em thừa biết anh dũng cảm lắm mới nuốt nổi mấy miếng thịt chó đắng ngắt ấy. Hơn nữa đằng nào con vật cũng chết rồi, nếu xử sự không khéo e tổn thương lòng tốt của Hoài. Anh ta là giáo viên trường làng, nhà nghèo, khí khái lắm mới làm việc đó”. Nghe anh trưởng đoàn tỏ lòng với vợ, Hoài thấy sống mũi cay cay…
Ngày hôm sau khách và chủ bịn rịn chia tay. Khi xe lăn bánh để lại làn khói bụi tan nhanh theo gió thì những ngày sống đầy ắp tình cảm với những người bạn đã thuộc về dĩ vãng. Hoài quay bước vào sân thì bắt gặp con Vện từ hàng rào dâm bụt chui ra với đôi mắt đầy ghèn lấm lét nhìn anh buồn rượi. Hôm qua chứng kiến con Vàng bị giết thịt, nó sợ quá chạy mất tăm. Tưởng nó đã bỏ mình đi mất rồi, Hoài mừng rỡ kêu lên: “Vện... lại đây!”.
Con Vện nghe chủ gọi thì sợ run. Tuy nhiên, nó không bỏ chạy mà chùn thân xuống, cụp đuôi sát đất lết tới liếm liếm chân chủ. Thấy có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ, Hoài liền ngồi xuống ôm con Vện vào lòng. Và bỗng hai giọt nước mắt ông giáo làng lăn dài trên đôi gò má khô khốc.
Con Vện cũng cảm được nỗi lòng chủ, nó dụi đầu sâu vào lòng Hoài và rên lên khe khẽ.