Lúc học lớp Ba, lớp Bốn trường làng, buổi chiều, bọn tui hay ra bến sông của bà Ba. Gọi đúng hơn nó là một bãi tắm dưới đáy có lớp sạn sỏi, cát nhuyễn lâu ngày dẽ dặt đến phẳng lì. Đám con nít rất thích tắm ở đây. Nơi ấy có một cây gừa thật to, tàn tràn cả bến sông. Gần sát bên, neo đậu mấy chiếc ghe nhỏ, giống như xuồng ba lá của nhà bà Ba dùng đi thả đăng đó, bắt tôm, cá dọc sông Sài Gòn.
Nhà bà Ba, tên thường gọi Ba Thúng chuyên môn đi lưới cá dứa sông, rồi đi đào ổ mối, thả thính vô lộp bắt cá lòng tong. Có những chuyến bà Ba bắt được nguyên con cá bông lau bự chảng, phải đi mua hai cây nước đá về ướp xong mới đem lên chợ quận bán.
Rồi có lần không hiểu sao, cá dứa ở đâu về quá trời quá đất! Vớt lên mấy gánh, đi mua nước đá chợ trên huyện không đủ, phải xẻ phơi khô, còn lại bán đổ bán tháo...
Tui và mấy đứa bạn khoái nhất cái trò leo lên nhánh thật cao của cây gừa ven bến sông rồi nhảy cái “ùm” xuống sông. Cái cảm giác đó, ai trải qua rồi, mới biết sướng!
Khi đó bơi cũng không giỏi, tui ôm bập dừa nước để bơi từ bên này sông qua bên kia khúc sông gần cầu Bình Lợi. Có khi giữa sông, đuối quá phải kêu thằng Cu Điếc ra ứng cứu.
Thằng này được cái trung thành, chưa bao giờ bỏ bạn. Đi đâu, nó cũng ra dáng thủ lĩnh của cả nhóm. Nhóm gặp chuyện gì, nó cũng ra tay ứng cứu! Sợ nhất là thọc tay vô hang mò cá tràu có khi lại đụng rắn. Nhà ông già nó biết làm nghề thuốc. Nó cũng học lóm được tí chút. Biết nặn máu độc, buộc ga-rô, hái lá dại đắp liền vô vết thương. Đi đá banh, nhập kê trẹo giò, ông già nó nắn lại rồi bó ngải. Chẳng mấy hôm là lành lặn, đi đứng bình thường…
Trái gừa giống như trái trâm, ăn vô là đen cả lưỡi. Nhưng đám nhóc tụi này còn có màn đi hái trái bứa, khi chín vỏ có màu vàng vàng, bổ ra có múi như măng cụt chua chua ngọt ngọt. Rồi có bữa xách nguyên cái vỏ bao tải đi hái đọt săn máu, đọt xộp về cho nhà đổ bánh xèo (giờ mấy loại rau này vô nhà hàng bán mắc như gì, gọi là rau rừng, rau vườn…).
Rồi có những bữa đi theo biền sông để hái rau mốp, phần về xào tỏi, phần muối chua...
* * *
Vườn dâu ở Lái Thiêu. Ảnh: MM
Làng tôi ngày xưa nhiều người là gọi làng guốc. Trong làng có rất nhiều thợ tiện, bào từ những xúc cây thành guốc mộc. Đó là thợ làm guốc mộc còn thuộc về đẳng cấp cao phải kể đến mấy bác nghệ nhân hết sức tài ba, chuyên vẽ bông hoa, cành tra cành trúc trang trí trên guốc sau khi đã qua công đoạn sơn mài.
Vẽ rất khéo, rất đẹp, ai nhìn cũng mê mẩn. Dù ở mấy cái xưởng ấy mùi sơn cứ xộc thẳng vào mũi, hơi khó chịu.
Có cô bé hình như tên là Yến, từ đầu đường quốc lộ xuống nhà cũng hơi xa. Nhưng lúc đó, xã đã tráng xi măng con đường xuống khu xóm, giống dạng bê tông hóa đường nông thôn sau này. Khi học lớp Sáu, đi xe đạp cọc cạch, tôi cũng hay đi về khu xóm đó. Ở đó, ngoài trại guốc còn có những vườn dâu, đặc sản của Lái Thiêu. Ăn dâu non dầm nước mắm đường thì thật là ngậm mà nghe, tuyệt vời. Giờ nhắc, còn chảy nước miếng.
Sau này, sau 1980, nhà cô ấy vẫn làm guốc và cũng có những nghệ nhân tô điểm nét đẹp cho những đôi guốc “Made in Việt Nam”. Nghe nói xuất khẩu đi Sing, đi Hàn... và rất nhiều nước.
Có những bữa tôi đi học muộn, từ nhà ở Vĩnh Phú (Lái Thiêu) lên Thủ Dầu Một, trễ bắt xe đò. Tự dưng tôi lại được ngồi chung với cô bạn cùng lớp ấy trên chiếc Honda dame của ông cậu Út. Lúc đó còn nhỏ, có biết gì đâu.
Rồi có những bữa đi qua cầu Bình Nhâm, rủ cả nhóm trốn học qua Cầu Ngang chơi, thầy giám thị hôm sau bắt đứng dưới cột cờ cả tiếng..
Thi thoảng vẫn có đứa nhắc về trường Trịnh Hoài Đức, một ngôi trường danh giá của xứ Búng (Bình Dương).
* * *
Tui vẫn đi ngang trường cũ khi có dịp. Trong sân trường vẫn sừng sững bức tượng người khai mở cõi bờ non sông.
Ghé chợ Búng lại nhớ quán cơm xã hội ngày xưa nằm sát bờ sông. Khi ấy chỉ cần 2 đồng rưỡi là có thể có bữa trưa với một con cá biển kho, canh rau, món xào và cơm no bụng.
Bánh bèo bì Kim Liên giờ vẫn còn bán với thương hiệu nổi tiếng mấy chục năm. Chỉ có Cầu Ngang, vườn cây trái Lái Thiêu sau này mất điểm vì chặt chém khách và cung cách phục vụ. Măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon… lại còn bị hàng Thái Lan cạnh tranh dữ dội.
Kỷ niệm xưa hình như cũng đã nhạt nhòa!