Tiềm năng từ khai thác quỹ đất dọc vành đai 3

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP kế hoạch khai thác quỹ đất dọc dự án đường vành đai 3. Theo đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP và UBND các tỉnh có đường vành đai 3 đi qua cần đẩy nhanh tiến độ rà soát quỹ đất dọc tuyến.

Chủ động nghiên cứu phương án khai thác

Theo Sở GTVT TP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An chủ động nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất phát triển đô thị, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh… hai bên các tuyến vành đai theo quy định pháp luật.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch, khai thác quỹ đất dọc tuyến vành đai 3, 4 và phát triển các vùng phụ cận.

Cụ thể, ông Bình giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, xác định nguồn vốn có khả năng thu được từ khai thác quỹ đất tại các tuyến vành đai và vùng phụ cận. Sau đó tham mưu, đề xuất lên UBND TP.HCM.

Theo Sở GTVT TP, việc khảo sát này là cơ sở hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đồng thời, đây cũng là cơ sở chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc khai thác quỹ đất dọc dự án để làm việc với Hội đồng thẩm định nhà nước và các đơn vị liên quan trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đường vành đai 3.

Đường vành đai 3, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đang được tỉnh Bình Dương
khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG

Chính vì vậy, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP sớm chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện nghiên cứu rà soát để thống nhất các số liệu về quy hoạch, diện tích của từng loại đất dọc tuyến. Đồng thời rà soát nguồn vốn có khả năng thu được từ khai thác quỹ đất dọc dự án đường vành đai 3 và các vùng phụ cận.

Tương tự, sở cũng kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An xác định các số liệu về quy hoạch, diện tích của từng loại đất. Sau đó xác định nguồn vốn có khả năng thu được từ khai thác quỹ đất dọc tuyến vành đai 3 và các vùng phụ cận.

Nguồn lợi khổng lồ từ quỹ đất dọc vành đai 3

Liên quan đến việc thực hiện dự án vành đai 3, UBND TP.HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Long An và Bình Dương đã có kiến nghị Chính phủ đồng ý, trình Quốc hội cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các địa phương. Trên cơ sở đó bố trí nguồn vốn cho dự án vành đai 3.

Đồng thời, các địa phương cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc tăng tổng mức vốn công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn có thể huy động thêm và phần dự kiến tăng thu của các địa phương.

Nguồn vốn trên có thể huy động từ nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư vành đai 3. Điều đáng nói, TP.HCM dự kiến có thể huy động thêm 119.410,922 tỉ đồng.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng vành đai 3 có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - đô thị ở TP.HCM nói riêng và khu vực nói chung. Có thể thấy hiện nay tiềm năng tuyến vành đai 3 là rất lớn. Chính vì vậy, các địa phương cần quyết tâm làm, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các địa phương và Chính phủ.

Theo đó, các địa phương, đặc biệt là TP.HCM cần phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác lập quy hoạch, rà soát quỹ đất vành đai 3 cũng như các dự án giao thông sau này. Lúc này, TP cần làm nhạc trưởng để chỉ huy sao cho các sở, ngành liên quan thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Đối với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng cần có người làm nhạc trưởng để đường vành đai 3 đi qua bốn địa phương cùng đồng bộ, hoàn thành đúng mục tiêu.

“Các nhạc trưởng sẽ làm công tác phối hợp liên ngành và liên kết các địa phương lại với nhau. Chúng ta cũng cần tránh tình trạng đơn ngành thực hiện sẽ dẫn đến việc khai thác quỹ đất dọc tuyến vành đai 3 không mang lại hiệu quả” - ông Sơn bày tỏ.

Theo ông Sơn, các bước như nghiên cứu, triển khai thực hiện, đầu tư… cũng phải có sự đồng bộ, thống nhất. Nếu chúng ta có kế hoạch khai thác quỹ đất tốt thì thậm chí còn đủ nguồn vốn để làm vành đai 3 mà không cần chờ vào ngân sách trung ương.

Theo đó, để thành công, đặc biệt là sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến vành đai 3, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế thì cơ cấu tổ chức phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, tất cả các bước phải có người chịu trách nhiệm, nhằm giải quyết mọi khó khăn kịp thời.•

 

Chính phủ chấp thuận tăng vốn công trung hạn

Trước kiến nghị của TP.HCM cùng các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Chính phủ đã trình Quốc hội việc cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhằm ưu tiên nguồn vốn thực hiện vành đai 3.

Đồng thời, Chính phủ chấp thuận việc tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm.

Theo đó, các địa phương có thể khai thác từ việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND các địa phương quản lý; phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, TP từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc dự án vành đai 3 và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư dự án này…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm