Năm 1973, sau khi được cha mẹ cho ba ha đất tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, ông Th. đã được chế độ cũ cấp giấy chủ quyền.
Tòa hủy quyết định của huyện
Năm 1976, ông Th. cho gia đình ông T. mượn bảy công đất để canh tác. Lúc đó, ông T. hứa sẽ trả lại đất khi con của ông trưởng thành. Năm 1994, ông Th. muốn nhận lại hơn ba công đất và được ông T. đồng ý trả lại. Đối với hơn bốn công đất còn lại, ông T. không sử dụng mà cho người khác thuê lại.
Năm 1999, ông T. quyết định trả luôn số đất còn lại nhưng vợ con ông T. không chịu và họ đã khiếu nại đến UBND huyện Châu Thành. Năm 2000, UBND huyện Châu Thành ra quyết định không công nhận việc trả lại đất của ông T. Do không đồng ý với cách xử lý này nên ông Th. đã khiếu nại. Ngay sau đó, UBND huyện Châu Thành tiếp tục ra quyết định bác đơn khiếu nại của ông Th., đồng thời buộc ông phải giao lại số đất trên cho ông T. Ông T. được liên hệ với cơ quan thẩm quyền để làm thủ tục cấp “giấy đỏ”.
Không dễ dàng chấp nhận, ông Th. kiện UBND huyện Châu Thành ra TAND huyện Châu Thành với yêu cầu UBND huyện “hủy bỏ hai quyết định nêu trên”. Theo ông Th., việc ông T. trả lại đất là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với đạo đức xã hội và đúng quy định.
Tháng 1-2002, TAND huyện Châu Thành xử cho ông Th. thua kiện. Theo đó, hai quyết định của UBND huyện Châu Thành vẫn được giữ nguyên. Tháng 3-2002, tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã xử cho ông Th. thắng kiện. Tòa này tuyên hủy hai quyết định của UBND huyện Châu Thành và yêu cầu UBND huyện ra quyết định giải quyết mới phù hợp với quy định. Bởi lẽ không có chứng cứ thể hiện ông T. được sử dụng đất do nhà nước thực hiện chính sách về đất đai như án sơ thẩm đã nhận định. Mặc khác, ông T. và thân nhân đã chuyển đến TP.HCM sống ổn định từ năm 1994.
Huyện không chịu thi hành
Với bản án phúc thẩm, cứ tưởng UBND huyện Châu Thành sẽ giải quyết cho ông Th. nhận lại đất. Không ngờ vào tháng 8-2002, UBND huyện Châu Thành lại ra một quyết định thứ ba điều chỉnh một phần quyết định cũ theo hướng “cãi lại” phán quyết trên của tòa. Cụ thể, ông Th. vẫn không được nhận lại đất đã cho mượn. Phía ông T., thay vì chính ông đi đăng ký cấp “giấy đỏ”, các thành viên trong hộ gia đình của ông sẽ đến UBND xã nơi có đất để đăng ký, làm thủ tục cấp “giấy đỏ”.
Ông Th. lại tiếp tục khiếu nại. Gần một năm sau UBND huyện Châu Thành mới ra quyết định thứ tư để thu hồi quyết định thứ ba. Nhưng phải giải quyết lại vụ việc như thế nào cho có lý, có tình thì huyện này lại... bỏ lửng.
Tháng 6-2007, UBND xã Tam Hiệp đã gửi công văn đề nghị UBND huyện cho ý kiến chỉ đạo để xã làm thủ tục cấp “giấy đỏ” cho ông Th. Theo UBND xã, hơn năm năm tính từ ngày TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm vụ án, UBND xã không nhận được đơn khiếu nại của ông T. và các đương sự có liên quan.
Căn cứ vào Điều 161 Nghị định 181 ngày 29-10-2004 của Chính phủ, Hội đồng tư vấn xã đã thống nhất là cấp “giấy đỏ” cho ông Th. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được UBND huyện Châu Thành chấp thuận. Huyện này lệnh cho UBND xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phải tổ chức hòa giải, giải quyết khiếu nại cho ông Th. như lần đầu.
Theo Điều 113 Nghị định 181, trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất (có giấy tờ hợp lệ) của hộ gia đình, cá nhân khác mà không có văn bản thỏa thuận về việc mượn đất, nay tự nguyện trả lại đất đã mượn thì việc trả lại đất phải được UBND cấp huyện quyết định công nhận. Ở trường hợp cụ thể của ông Th., tuy không có văn bản xác nhận nhưng chính ông T. đã thừa nhận có việc mượn đất và giờ tự nguyện trả lại sau một thời gian dài không sử dụng vì không có nhu cầu. Cớ gì UBND huyện Châu Thành kéo rê vụ việc đến sáu năm trời, gây thiệt hại quyền lợi của ông Th. vốn là chủ đất hợp pháp?
VĂN ĐOÀN