Từ khi thông tin này được công bố, hàng triệu thầy cô giáo trên cả nước đã vui mừng và xã hội lại được một phen bàn luận.
Từ trước tới nay, câu chuyện lương nhà giáo luôn là một bài toán hóc búa chưa có lời giải. Không phải chỉ trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục lần này mà trong nhiều nghị quyết của Đảng, vấn đề xếp lương của nhà giáo cao hơn các ngành nghề khác trong xã hội cũng đã được đề cập nhiều lần.
Bởi vậy, không lạ gì khi thông tin này vừa được công bố đã tạo ra dư luận xã hội sôi nổi. Thế nhưng câu hỏi lớn trong đề xuất này là: Tiền đâu để nâng lương cho nhà giáo ở mức cao nhất khi mà ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay.
Cải cách giáo dục tiếp tục được bắt đầu với đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong khối hành chính là một đề xuất rất nhân văn, hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Vấn đề là nó có tính khả thi không. Là cơ quan tham mưu soạn thảo luật sửa đổi, với quy định này, đáng lẽ Bộ GD&ĐT phải công bố để toàn dân, nhất là các thầy cô giáo, trong đó có rất nhiều người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa được biết rằng Bộ sẽ làm gì để góp phần tinh giản biên chế, nâng lương cho giáo viên. Bộ đã và sẽ làm gì để tránh thất thoát và sử dụng có hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục. Và đặc biệt, Bộ phải giải đáp được câu hỏi đề nghị lương giáo viên cao nhất trong bậc hành chính sẽ lấy nguồn tiền ở đâu.
Hiện nay ngân sách chi cho giáo dục ở Việt Nam chiếm 20% tổng chi ngân sách, tức chiếm gần 5% GDP. Chúng ta đều biết rằng với GDP trên 200 tỉ USD thì 5% chi cho giáo dục đồng nghĩa với trên 10 tỉ USD mỗi năm. Vấn đề còn lại là Bộ GD&ĐT cần quản lý chi tiêu như thế nào để chi tiêu thật sự hiệu quả, tiết giảm chi tiêu lấy tiền đó đảm bảo đời sống cho các thầy cô giáo.
Với đặc thù nghề nghiệp, người thầy luôn phải cẩn trọng và giữ hình ảnh đẹp trong mắt người đi học và của xã hội. Cuộc sống quá khó khăn với đồng lương không đủ sống đã làm cho một số thầy cô cảm thấy… chạnh lòng.
Vậy nên đề xuất lương nhà giáo ở mức cao nhất, như đã nói, rất đúng, rất nhân văn. Nhưng những nhà làm chính sách không phải chỉ là các nhà đạo đức học. Chính sách đề xuất quá hay nhưng liệu nó có khả thi, vì làm chính sách phải dựa trên cơ sở thực tiễn khoa học.