Theo dự thảo này, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ngoài tiền lương, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Cụ thể, Điều 81 trong dự thảo nêu: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Đây cũng là vấn đề mà Bộ GD&ĐT giải thích và xin ý kiến trong tờ trình gửi Chính phủ. Theo Bộ GD&ĐT, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông.
Thời gian gần đây, dư luận - đặc biệt là những người làm nghề giáo - tâm tư về trường hợp cô Trương Thị Lan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã có 37 năm làm giáo viên mầm non, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 22 năm tám tháng, khi nghỉ hưu được hưởng 69%, tương ứng với mức lương chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng.
Về nghịch lý lương nói trên khó kham nổi cuộc sống khi về già, bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, giải thích: Mặc dù cô giáo Lan có 37 năm làm nghề giáo nhưng giai đoạn đầu không thuộc biên chế nhà nước. Nhưng sau đó năm 2004, BHXH Việt Nam và Bộ GD&ĐT có văn bản truy đóng BHXH từ tháng 1-1995 đối với giáo viên mầm non nhằm mục đích giúp họ có đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí. Vì vậy, đa số giáo viên có thời gian tham gia BHXH từ tháng 1-1995 với số năm đóng khoảng 20 năm.
“Theo quy định nhà nước thì tất cả những người về hưu, dù thấp bao nhiêu cũng được điều chỉnh bằng lương cơ sở (hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng), lương hưu của cô Lan chưa đủ nên được điều chỉnh cho đủ 1,3 triệu đồng” - bà Hiền thông tin thêm.